Tactical System
HLV Ole Gunnar Solskjaer đã có một khởi đầu khá tệ hại cùng Manchester United. Sau một mùa chuyển nhượng được đánh giá là khá thành công với những tân binh chất lượng như Raphael Varane, Jadon Sancho hay Cristiano Ronaldo, lẽ ra Quỷ đỏ phải được coi là ứng viên vô địch hàng đầu tại Premier League.
Thay vào đó, trải qua 11 vòng đấu, họ đã thua bốn trận, mới chỉ giành được 17 điểm và hiện đang đứng thứ 6 trên bảng xếp hạng, vị trí thấp hơn Arsenal, đội bóng từng thua ba trận liên tiếp hồi đầu mùa.
Bản hợp đồng tiếng tăm Raphael Varane vốn được kỳ vọng sẽ giúp Manchester United sớm khắc phục điểm yếu nơi hàng thủ, nhưng tới nay mọi chuyện vẫn chưa thể đi đúng hướng, khi Quỷ đỏ mới giữ sạch lưới vỏn vẹn hai lần kể từ tháng 08.
Sau hai thất bại nặng nề trước Leicester City và Liverpool, HLV Ole Gunnar Solskjaer quyết định chuyển sang sơ đồ ba hậu vệ cùng hai cầu thủ chạy cánh, thường là 3-4-1-2 hoặc 3-5-2. Trước đó, ông thầy Na Uy từng sử dụng sơ đồ này trong một số trận đấu lớn ở những mùa giải vừa qua, gặt hái được những kết quả khá ấn tượng.
Tuy vậy, sau chiến thắng 3-0 trước một Tottenham rệu rã, Manchester United đã phải trở lại mặt đất bằng trận thua hết sức bạc nhược với tỷ số 0-2 trước Manchester City, một đối thủ vượt trội về chiến thuật, đồng đều hơn về lực lượng và có ý chí chiến đấu cũng như được đào tạo bài bản hơn hẳn.
Thực tế, như GÓC KHÁN ĐÀI đã phân tích ở các chương trình trước, chúng ta vẫn chưa thể xác định được liệu sơ đồ 3 hậu vệ có phải là giải pháp lâu dài của HLV Solskjaer hay không. Điều hiển nhiên mà ai cũng nhận ra là chơi với một sơ đồ như vậy đồng nghĩa với việc ít nhất hai người trong bộ ba ngôi sao Marcus Rashford, Mason Greenwood và Edinson Cavani chắc chắn sẽ phải ngồi ngoài, trong khi Jadon Sancho cũng khó có cơ hội ra sân, do vị trí sở trường của anh là tiền đạo cánh.
Trong khi đó, sơ đồ 3-4-3 tuy có chỗ cho Sancho, nhưng khả năng được sử dụng hầu như bằng không, bởi Bruno Fernandes sẽ phải đá ở vị trí tiền vệ trung tâm, một giải pháp được giới chuyên môn đánh giá là quá liều lĩnh và không đảm bảo hỗ trợ phòng ngự. Cặp tiền vệ trung tâm mà Solskjaer ưa dùng từ đầu mùa giải là Fred và Scott McTominay.
Tuy vậy, trong chương trình GÓC KHÁN ĐÀI ngày hôm nay chúng ta hãy xem xét cách vận hành sơ đồ ba hậu vệ của Man United để xem có điểm gì khác biệt so với chiến thuật của một đội bóng khác đang rất thành công với sơ đồ ba hậu vệ: Chelsea.
Trước hết, hãy xem xét cách Chelsea phòng ngự. Khi không có bóng, các cầu thủ The Blues được HLV Thomas Tuchel chỉ đạo thu hẹp đội hình, hàng phòng ngự dâng cao. Các cầu thủ chạy cánh được phép thoải mái di chuyển lên trên và chiếm vị trí trong khu vực của hậu vệ cánh đối phương, trong khi các trung vệ hết sức chủ động xử lý các mối nguy hiểm từ các tiền đạo cánh của đối phương.
Nhờ khả năng giữ cự ly đội hình hẹp vô cùng chặt chẽ và hợp lý, khoảng trống để đối phương khai thác là không nhiều. Chelsea luôn có lợi thế về quân số trong đa số các tình huống phòng ngự.


Hệ thống pressing của Chelsea được vận hành rất hiệu quả. Sơ đồ của các cầu thủ được chuyển thành 5-3-2, tiền đạo chủ động theo sát trung vệ đối phương. Tùy theo vị trí bóng ở cánh nào, cầu thủ chạy cánh đó sẽ chủ động di chuyển để thu hẹp khoảng trống mà đối phương có thể tận dụng, hoặc bám sát hậu vệ cánh đối phương.
Trong giai đoạn này, cầu thủ ở cánh đối diện cũng lùi về giữa sân cùng Jorginho và N’Golo Kante (hoặc Mateo Kovacic) tạo thành bộ ba tiền vệ.
Bây giờ, hãy xem Man United phòng ngự ra sao với sơ đồ ba hậu vệ. Hướng tiếp cận của Solskjaer về cơ bản có nhiều điểm tương đồng với Tuchen, để đảm bảo sự vững vàng nơi hàng hậu vệ. Tuy vậy, có những điểm khác biệt nhất định tạo ra độ “vênh” khá lớn giữa hai hệ thống.
Ở trận derby với Man City tuần trước, Man United duy trì sơ đồ 5-1-3-1. Scott McTominay ở vị trí tiền vệ phòng ngự và Cristiano Ronaldo chơi cao nhất trên hàng công.
Ban đầu, Man United cố gắng duy trì cự ly đội hình hẹp để gây khó dễ cho hàng tiền vệ của Man City. Tuy vậy, kế hoạch này sớm phá sản toàn tập. Không giống Chelsea, các hậu vệ cánh của Man United không thể chủ động di chuyển để ngăn chặn hậu vệ cánh của đối phương. HLV Pep Guardiola đã lựa chọn một phương án chiến thuật vô cùng thông minh khi cho Phil Foden và Gabriel Jesus dạt cánh để phối hợp tấn công cùng các hậu vệ cánh, thay vì di chuyển bó vào trong.
Kết quả, hai hậu vệ cánh của Man United hết sức lúng túng, đặc biệt là Aaron Wan-Bissaka. Anh liên tục rơi vào thế 1 đánh 2 trước sự phối hợp rất thông minh của Joao Cancelo và Phil Foden. Bruno Fernandes không chủ động hỗ trợ phòng ngự, trong khi Eric Bailly không muốn rời khỏi vị trí trung vệ để giúp Wan Bissaka. Kết quả, dù chơi với 5 hậu vệ nhưng Man United vẫn gặp rất nhiều khó khăn trước sức mạnh hai cánh của Man City.


Gặp khó khăn, Man United chuyển sang sơ đồ 5-4-1. Tuy vậy, điều này lại dẫn đến những vấn đề khác. Trước một hàng tiền vệ 4 người khác “phẳng” của Man United, các cầu thủ Man City dễ dàng tạo ra khoảng trống giữa các tuyến. Ilkay Gundogan duy trì vị trí khá cao, trong khi Kevin De Bruyne và Bernardo Silva liên tục thay đổi vai trò với nhau.
Dần dần, Man City có lợi thế nhờ sự di chuyển khôn khéo của Rodri. Họ kiểm soát bóng và giữ vững vị trí rất dễ dàng, thời lượng kiểm soát bóng trong hiệp 1 lên tới 71%, đồng thời liên tục tạo ra những tình huống nguy hiểm về phía khung thành của Man United. Đội khách hai lần chọc thủng lưới Man United sau những quả tạt của Cancelo ở cánh trái, nhưng nếu David De Gea không có những tình huống cản phá xuất thần, có lẽ các học trò của Pep Guardiola đã ghi được nhiều bàn thắng hơn.
Cũng có những vấn đề trong cách Man United tổ chức pressing. Vai trò của các cầu thủ nhìn chung không rõ ràng, dường như bản thân họ cũng không rõ mình phải làm gì để duy trì cự ly đội hình và pressing đúng lúc, đúng đối tượng một cách hiệu quả. Trong bàn thua đầu tiên, Bruno Fernandes pressing khá chậm để Cancelo có thời gian tạt bóng, trong khi ở bàn thua thứ hai Wan Bissaka tỏ ra khá hời hợt, không áp sát hậu vệ Bồ Đào Nha để anh này tạt bóng vào trong vòng cấm cho Bernardo Silva dứt điểm.
Tiếp đến, chúng ta sẽ phân tích khâu tấn công. Hệ thống chiến thuật của Chelsea tạo điều kiện cho các cầu thủ chạy cánh có thể chủ động trám vào các vị trí khác nhau khi cần, đồng thời để họ thoải mái di chuyển vào vòng cấm trong giai đoạn tấn công. Các cầu thủ chạy cánh của Chelsea đều hiểu rất rõ đồng đội chơi cùng cánh của mình, có thể thay đổi vai trò rất nhanh nhạy, nhịp nhàng.
Giống như Pep Guardiola, Thomas Tuchel cũng cho phép các hậu vệ cánh trái chân chủ động áp sát vòng cấm đối phương. Trong giai đoạn này, cầu thủ tấn công sẽ di chuyển ra cánh thế chỗ, kéo dãn hàng phòng ngự đối phương và mở ra half-space. Các cầu thủ Chelsea di chuyển rất nhịp nhàng và hiểu ý nhau, khiến đối phương càng dễ rối loạn, không biết phải theo ai, kèm ai, giữ vị trí hay di chuyển bám sát.
HLV Tuchel trong một phỏng vấn gần đây cũng cho rằng với sơ đồ ba hậu vệ, cầu thủ chạy cánh không phải là “hậu vệ cánh” mà giống một tiền vệ hơn. Tất nhiên, họ vẫn có trách nhiệm phòng ngự, nhưng họ thoải mái tham gia tấn công hơn và dễ dàng di chuyển vây hãm khung thành đối phương hơn là các hậu vệ cánh ở sơ đồ bốn hậu vệ. Các cầu thủ chạy cánh của Chelsea tham gia tấn công rất hiệu quả và ghi bàn nhiều không kém tiền đạo chủ lực Romelu Lukaku.
Trong khi đó, các cầu thủ Man United nhìn chung chưa phân rõ nhiệm vụ và vai trò trong hệ thống ba hậu vệ mà Solskjaer đang áp dụng. Bên cạnh đó, Man United thường không tận dụng hiệu quả chiều ngang của đội hình, bởi cánh phải cuả họ gần như “tê liệt” trong các tình huống tấn công. Wan Bissaka thường xuyên bị cô lập ở channel bên phải.
Việc lựa chọn nhân sự cho các vị trí tấn công cũng khiến vai trò của mỗi cầu thủ Man United càng trở nên rối rắm. Mason Greenwood là mẫu cầu thủ tấn công rất tài năng, nhưng anh thường tận dụng tốt khả năng di chuyển ở half-space hơn là bám biên. Trong khi đó, Bruno hầu như luôn được chỉ định gây ảnh hưởng ở khu vực trung lộ.
Việc phụ thuộc quá nhiều vào các pha lên bóng bên cánh trái khiến kịch bản tấn công của Man United trở nên đơn điệu, dễ đoán. Chưa dừng lại ở đó, các cầu thủ của Solskjaer cũng không nhanh nhạy trong các tình huống chuyển cánh, bởi Wan Bissaka khá yếu trong nhiệm vụ tấn công.
Khả năng tạt bóng của Wan Bissaka đã được cải thiện, nhưng vẫn là chưa đủ. Bên cạnh đó, bản thân anh không biết cách tự biến mình thành phương án tấn công nguy hiểm, ít khi chủ động di chuyển chiếm khoảng không phía sau hậu vệ cánh đối phương. Kết quả là đối phương chỉ cần giữ cự ly đội hình hẹp để dồn quân chống đỡ các đợt tấn công bên cánh trái của Man United.
Kịch bản tấn công cánh trái của Man United cũng có một số vấn đề. Ronaldo là người chơi cao nhất trên hàng công, do đó Fred có lẽ là người được chỉ định hỗ trợ Shaw bên cánh trái. Khi McTominay đảm bảo vai trò của mình ở giữa sân, Fred có thể di chuyển lên trên và tận dụng half space, cũng là để tạo ra lợi thế về người ở khu vực sát hành lang cánh trái.
Tuy vậy, trên thực tế Fred ít khi chủ động dâng cao. Thay vào đó, anh giữ vị trí khá thấp để tạo phương án chuyền bóng ở khu vực trung tâm. Greenwood và Ronaldo thường di chuyển về phía gần khung thành đối phương, Bruno tìm kiếm các khoảng trống có thể tận dụng.
Để tạo ra tình huống 2 đánh 2 ở cánh, Bruno cũng thường di chuyển ra cánh khi cần, sau đó bóng sẽ được tạt vào trong cho Ronaldo. Kịch bản này có lúc phát huy hiệu quả trông thấy, nhưng cũng có lúc Ronaldo gặp khó khăn trong vòng ấm khi đối phương giữ cự ly hẹp và tổ chức kèm chặt chân sút Bồ Đào Nha.
Tóm lại, sơ đồ chiến thuật ba hậu vệ có thể phát huy hiệu quả nếu được vận hành một cách thuần thục và nhuần nhuyễn. Các cầu thủ Man United có lẽ cần xác định rõ vai trò và nhiệm vụ của từng cá nhân, đồng thời đảm bảo hệ thống hoạt động với độ biến hóa cần thiết để không trở nên quá dễ đoán biết.
Cuối cùng, hãy cho chúng tôi biết quan điểm của các bạn về chiến thuật của Manchester United và Chelsea trong phần bình luận phía dưới video. Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi và hẹn gặp lại trong những chương trình tiếp theo.