5 sao MU đối mặt với nguy cơ 'mất chỗ đứng' thời hậu Ole Góc Khán Đài

Thứ sáu, 09/06/2023

5 sao MU đối mặt với nguy cơ ‘mất chỗ đứng’ thời hậu Ole

Tác giả: Góc Khán Đài - Thứ hai 22/11/2021 16:40(GMT+7)

Nguồn: Sportskeeda

HLV Ole Gunnar Solskjaer đã chính thức nhận quyết định sa thải từ ban lãnh đạo Manchester United, sau chuỗi thành tích vô cùng tệ hại với duy nhất 1 trận thắng trong 7 trận gần nhất tại Premier League, bao gồm những trận thua thảm trước Leicester City, hai kình địch Liverpool và Manchester City và cả đội bóng đang ngấp nghé khu vực xuống hạng Watford.

Điều này đáng lẽ đã phải diễn ra từ lâu, đặc biệt là sau trận thua 0-5 trước Liverpool. Ban lãnh đạo Manchester United đã quá do dự, thiếu quyết đoán và sai lầm khi trao thêm cơ hội cho Solskjaer ở thời điểm ông không thể nào lật ngược tình thế.

Sau thất bại thảm hại trước Liverpool, Manchester United chỉ có một trận thắng Tottenham Hotspurs, đội bóng sau đó cũng sa thải HLV. Họ bị Atalanta cầm hòa 2-2 trong tình thế suýt thua, sau đó dễ dàng bại trận trước một Manchester City quá vượt trội về mọi mặt, dù tỷ số chỉ là 0-2.

Quãng thời gian nghỉ thi đấu để các ĐTQG tập trung tưởng chừng sẽ giúp Solskjaer chấn chỉnh tình hình và đưa đội bóng trở lại quỹ đạo chiến thắng, nhưng rồi thất bại không thể chấp nhận nổi trước Watford với tỷ số 1-4 hồi cuối tuần trước đã chấm dứt mối lương duyên giữa chiến lược gia Na Uy và Manchester United. Chỉ một giờ sau khi thầy trò Solskjaer trở về Manchester, ban lãnh đạo đội bóng họp khẩn trong 5 tiếng và quyết định sa thải cựu HLV Cardiff City đã được đưa ra ngay lập tức.

Hiện tại, BLĐ Man United đã chỉ định Michael Carrick làm HLV tạm quyền cho tới khi họ tìm được một… HLV tạm quyền khác có thể dẫn dắt đội bóng tới cuối mùa.

Mọi sự thay đổi HLV đều có thể dẫn tới xáo trộn về đội hình và chiến thuật. Điều đó càng dễ xảy ra với Manchester United, bởi nhiều cầu thủ của đội chủ sân Old Trafford đang thi đấu dưới phong độ, hoặc chỉ có thể tỏa sáng nhờ chiến thuật hiện có phần thiếu hiệu quả của Solskjaer.

Chương trình GÓC KHÁN ĐÀI hôm nay sẽ điểm tên 5 cầu thủ có thể sẽ gặp khó khăn sau khi ông thầy người Na Uy bị sa thải.

Top 5. David De Gea

Sau những mùa giải thi đấu với phong độ không cao trong màu áo Man United, đặc biệt là năm ngoái nơi anh bị thủ thành trẻ Dean Henderson thay thế trong giai đoạn cuối mùa, nhiều dấu hỏi đã được đặt ra về tương lai của De Gea.

Tuy vậy, mùa giải này De Gea đã thể hiện được đẳng cấp khiến người hâm mộ phải trầm trồ. Anh có những màn trình diễn vô cùng ấn tượng, chẳng hạn như ở trận đấu trước Wolverhampton Wanderers hay trong hiệp 1 trận derby thành Manchester. Thủ thành Tây Ban Nha thậm chí còn cản phá penalty xuất sắc, đánh bại Mark Noble của West Ham và Ismaila Sarr của Watford trên chấm phạt đền, điều anh chưa từng làm được kể từ năm 2016.

Thế nhưng điều đó không có nghĩa là De Gea sẽ chắc suất trong đội hình Manchester United sau khi HLV mới được bổ nhiệm. Dù phong độ của anh đã được cải thiện đáng kể trong mùa giải này, anh vẫn mắc một số sai lầm nhất định, chẳng hạn như ở trận hòa Atalanta tại Champions League, hay trong bàn thua thứ hai trước Man City ở Premier League, nơi lẽ ra anh và các hậu vệ Man United phải phối hợp tốt hơn.

Bên cạnh đó, cũng có không ít ý kiến nghi ngờ khả năng chơi chân, bao gồm chuyền ngắn và phối hợp với các hậu vệ để hóa giải những tình huống bị đối phương pressing ngay trước khung thành. Đây là điều trước nay vốn không được coi là điểm mạnh của De Gea, thậm chí có thể gây trở ngại cho các HLV muốn áp dụng lối chơi triển khai bóng ngắn từ hàng hậu vệ.

De Gea sẽ không mất chỗ trong đội hình Man United một cách dễ dàng, thế nhưng cũng cần nhớ rằng không ít HLV đã mạnh tay “trảm” các công thần khi họ không phù hợp với lối chơi đã được vạch ra. Pep Guardiola từng làm điều này ở Man City, khi ông thẳng thắn loại bỏ Joe Hart nhường chỗ cho Claudio Bravo và sau đó là Ederson.

Top 4. Scott McTominay

McTominay là cầu thủ xuất thân từ lò đào tạo của Manchester United. Anh đã gắn bó với đội bóng từ khi 5 tuổi và chiếm được vị trí đặc biệt trong lòng người hâm mộ đội bóng. Tuy vậy, trong thời điểm Man United đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, để tình cảm ảnh hưởng tới quyết định chuyên môn sẽ là không thích hợp.

McTominay dù đã dày dạn kinh nghiệm thi đấu ở Premier League, nhưng sự thật là sẽ có không ít HLV không đánh giá cao các phẩm chất của anh, đặc biệt sau một thời gian dài anh bị chỉ trích vì phong độ hết sức thảm hại cả về phòng ngự lẫn tấn công, dù được xếp chơi cạnh Fred, Nemanja Matic hay Paul Pogba ở vị trí tiền vệ trung tâm.

Sau khi HLV Solskjaer bị sa thải, có lẽ đã đến lúc McTominay phải đối diện với khả năng không còn là lựa chọn hàng đầu cho tuyến giữa của Man United. Sự tỏa sáng của Donny Van de Beek, dù chỉ trong 45 phút trước Watford, sẽ góp phần khiến McTominay càng khó cạnh tranh một suất đá chính hơn.

Top 3. Aaron Wan-Bissaka

Tương tự như De Gea, Aaron Wan-Bissaka hoàn toàn không phải là một cầu thủ kém chất lượng hay đã sa sút phong độ không phanh, anh chỉ đơn giản là không phù hợp với chiến thuật và lối chơi của những đội bóng hiện đại. Hậu vệ người Anh đặc biệt xuất sắc ở khả năng đối đầu và tắc bóng 1 vs 1 với các tiền đạo đối phương, nhưng như vậy là chưa đủ để tỏa sáng ở vị trí hậu vệ cánh phải, một trong những vị trí quan trọng nhất của chiến thuật bóng đá hiện nay.

Tiềm năng của Wan Bissaka không phải là không có, nhưng dường như anh đã không tiến bộ chút nào từ khi đầu quân cho Manchester United. Những phẩm chất mà bóng đá hiện đại đòi hỏi ở một hậu vệ cánh như tốc độ, khả năng đọc hiểu trận đấu và tạt bóng hay cảm giác vị trí vẫn là điểm yếu của hậu vệ người Anh, hệt như ở thời điểm anh mới đặt chân tới Old Trafford vào mùa Hè 2019. Sẽ có không ít HLV không hài lòng với lối chơi của Wan Bissaka ở thời điểm hiện tại.

Tất nhiên, vấn đề của Wan Bissaka có thể nằm ở khâu huấn luyện, vốn không phải là thế mạnh của HLV Solskjaer cùng bộ sậu trợ lý. Một HLV đẳng cấp hơn với những trợ lý tài năng hơn hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề này, đồng nghĩa với việc Wan Bissaka vẫn còn cơ hội tiến bộ.

Tuy vậy, những tin đồn về việc Man United lên kế hoạch chiêu mộ Kieran Trippier, một cầu thủ được đánh giá cao hơn Wan Bissaka trong khả năng di chuyển hỗ trợ tấn công và tham gia kiến tạo lối chơi sẽ là cảnh báo cho cựu cầu thủ Crystal Palace. Việc anh vẫn có chỗ đứng trong đội hình xuất phát của Man United dù đội bóng chỉ giữ sạch lưới 3/25 trận gần đây đơn giản chỉ là bởi họ có duy nhất một lựa chọn khác là Diogo Dalot.

Top 2. Harry Maguire

Cứ mỗi lần Maguire mắc sai lầm, hay nói vui là “tấu hài” trong màu áo Manchester United, các cổ động viên đối thủ lại được dịp đem thương vụ trị giá 80 triệu bảng ra làm trò cười. Maguire không chỉ được coi là trụ cột của hàng thủ Man United, đội trưởng đội bóng, anh còn là một trong những trung vệ đắt giá nhất lịch sử bóng đá thế giới.

Thế nhưng trong thời gian gần đây, Maguire mắc lỗi ngày một nhiều, chẳng hạn như ở trận thua thảm họa trước Leicester City, hay ở trận gặp Watford cuối tuần trước, nơi anh nhận thẻ đỏ nhấn chìm mọi hy vọng có điểm của Man United.

Một số thông tin cho rằng HLV Solskjaer đã buộc Maguire trở lại thi đấu quá sớm trong thời điểm anh chưa hoàn toàn bình phục chấn thương, khiến anh liên tiếp mắc sai lầm và rơi vào khủng hoảng phong độ. Giải thích này rất hợp lý và một HLV mới chắc hẳn sẽ cẩn trọng hơn trong việc quản lý thời gian thi đấu cũng như thể hình, thể lực của trung vệ người Anh.

Tuy nhiên, sự thật là ngay cả trong những mùa giải trước, Maguire vẫn chưa hoàn toàn khiến các CĐV Man United yên tâm. Việc đội bóng phải chiêu mộ thêm Raphael Varane ở kỳ chuyển nhượng mùa Hè vừa qua cho thấy ngay cả ban lãnh đạo Man United cũng chưa hài lòng với người lẽ ra phải là thủ lĩnh hàng phòng ngự này.

Top 1. Cristiano Ronaldo

Không có gì để chỉ trích siêu sao Bồ Đào Nha khi anh vẫn có phong độ ghi bàn rất ấn tượng ở tuổi 36. Cựu cầu thủ Real Madrid và Juventus vẫn là chân sút hàng đầu châu Âu, tinh thần chiến đấu và kinh nghiệm của anh vẫn là vô cùng quý báu với bất kỳ đội bóng nào, nhưng sự thật là việc sử dụng Cristiano Ronaldo lúc này như một con dao hai lưỡi.

Anh có thể bùng nổ ghi bàn vào bất kỳ thời điểm nào, nhưng cũng là chướng ngại không nhỏ với các đội bóng muốn xây dựng một hệ thống chiến thuật hiện đại, bài bản, bởi thói quen không pressing quyết liệt. Những bàn thắng giúp Man United lội ngược dòng trước Villarreal hay cứu họ thoát thua trước Atalanta tất nhiên là rất đáng quý, nhưng vì sao một đội bóng như Man United lại rơi vào tình cảnh bị dẫn trước khi gặp những đối thủ bị đánh giá thấp hơn như vậy?

Nên nhớ rằng HLV Zinedine Zidane đã rời Real Madrid trong mùa giải cuối của Cristiano Ronaldo ở Tây Ban Nha. Tại Juventus, Max Allegri, Maurizio Sarri và Andrea Pirlo đều đã thất bại và bị sa thải, lần này tới lượt Solskjaer ở Man United. Chỉ trong ba năm rưỡi ở ba CLB khác nhau, 5 HLV của Ronaldo đã ra đi.

Liệu có cách nào để anh thi đấu tốt trong một hệ thống chiến thuật hiện đại? Sự thật là điều này rất khó xảy ra, dù anh ghi nhiều bàn thắng tới mức nào. Bất kỳ ai được bổ nhiệm làm HLV Man United cũng sẽ đối mặt với bài toán khó mang tên Cristiano Ronaldo.

Là một cầu thủ tầm cỡ vĩ đại nhất mọi thời, tất nhiên các HLV không thể cho anh ngồi dự bị hay chỉ cho anh thi đấu trước các đội bóng yếu hơn. Họ sẽ xếp anh đá chính ở mọi trận đấu anh có thể ra sân, trong khi chưa thực sự có một chiến thuật phù hợp với siêu sao Bồ Đào Nha mà vẫn đảm bảo thời gian thi đấu và sự phát triển của Jadon Sancho, Mason Greenwood, Marcus Rashford, chưa nói tới Anthony Martial hay Jesse Lingard.

Không rõ vị HLV nào sẽ mạnh tay loại Cristiano Ronaldo khỏi đội hình đá chính của Man United, nhưng bài toán chiến thuật mà anh tạo ra sẽ là vô cùng khó khăn.

Cùng chuyên mục

top-arrow