Theo The Athletic
“Hãy nhìn vào những giá trị của đội bóng này.”
Một thông điệp đầy ý nghĩa, và đó cũng là những từ cuối cùng mà Arsene Wenger đưa ra trong bài phát biểu chia tay Arsenal. Những tiếng vỗ tay vang khắp SVĐ Emirates, ai cũng thấy mình bị lay động. Nhưng điều khó xử là trong những năm cuối cùng của Wenger cùng Arsenal, bầu không khí chủ đạo trên chính SVĐ này lại là sự thất vọng và những tiếng phản đối, thế nên khi nghe những lời chia tay của ông, mọi người đều hiểu ý nghĩa sâu xa và cảm nhận được ông đã hy sinh những gì cho giá trị của đội bóng.
Kể từ ngày đặt chân tới Arsenal vào năm 1996, Wenger đã xác lập được vị thế của mình và phong cách riêng biệt cho đội bóng. Ông mang tới một khía cạnh mới mẻ hơn, hiện đại hơn và mang đậm dấu ấn Arsenal – điều mà chỉ có huyền thoại Herbert Chapman làm được trong kỷ nguyên vĩ đại của chiến thuật WM những năm 1930.
Liệu quyết định chia tay Wenger của Arsenal năm xưa có thực sự đúng đắn? Đó là câu hỏi mà Góc khán đài đặt ra trong bài viết này.
Thực tế khi nhìn vào cách mà Arsenal tuyên bố chia tay Wenger, ta cũng thấy được vị thế vững chắc mà Wenger đã dày công xây dựng suốt bao năm đã không còn nữa. Khi đó Pháo thủ không còn giữ được vị thế của một ứng cử viên vô địch, và Giám đốc điều hành Ivan Gazidis – dưới sự bảo trợ của giới chủ đội bóng là nhà Kroenke – đã đặt chiến lược gia người Pháp vào vị thế mà ông không thể ngờ tới. Khi đó mùa giải 2017/18 vẫn chưa kết thúc, Arsenal vẫn còn vài trận phải đá, thế nên tuyên bố này càng khiến bầu không khí của đội bóng thêm nặng nề.
Đó không phải lựa chọn của Wenger. Sau 22 năm cống hiến, lẽ ra giới chủ của Arsenal nên tìm cách khác để nói lời chia tay ông. Hậu quả của việc này là Arsene Wenger – một trong những HLV thành công nhất trong lịch sử đội bóng – chọn con đường không liên quan tới đội bóng nữa. Kể từ khi rời ghế HLV trưởng, ông chưa từng có công việc hợp tác nào với đội bóng cũ.
Ban đầu, việc Wenger từ chối ở lại Arsenal với vai trò cố vấn hoặc giám đốc kỹ thuật có 2 lý do – một là HLV này muốn dành thời gian cho những hoạt động khác ngoài đam mê của mình, hai là ông không muốn tạo sức ép cho người kế nhiệm. Nhưng thời gian trôi đi, người ta cảm thấy rằng ông và đội bóng không nên quá xa cách như vậy.
Tình cảnh của Wenger lúc đó dĩ nhiên là đáng buồn, và có lẽ nó cũng không phải là điều mà Arsenal mong muốn, và câu hỏi được đặt ra là nếu quay ngược thời gian lại thì liệu câu chuyện này có nhất thiết phải xảy ra? Rằng Wenger và Arsenal sẽ không thể chung một con đường nữa?
Nhìn vào cách mà Wenger rời khỏi sân Emirates, ta cảm thấy dường như thực tế nội bộ đội bóng này là một câu chuyện rất khác. Với sự nghiệp vĩ đại của mình, rõ ràng Wenger xứng đáng có một vị trí khác nếu không làm HLV trưởng nữa. Ông có thể giữ 1 vị trí trong Ban lãnh đạo, CEO, cố vấn kỹ thuật, đại sức CLB hoặc bất kỳ chức danh cao cấp nào khác. Những người thân cận khẳng định rằng ông cũng cân nhắc rất kỹ những lựa chọn mà mình đang có.
Những di sản mà Arsenal thừa hưởng từ Wenger có tính định hướng rất rõ ràng cho tương lai, nhưng tới lúc này có lẽ mọi thứ mà ông dày công vun đắp nhiều năm đã trôi sông. Thành tích của đội bóng liên tục tụt dốc, chất lượng đội hình ngày càng giảm, những thứ đó khiến người ta phải tự hỏi liệu Wenger vẫn còn ở CLB thì họ có được vị trí cao hơn chăng? Không chỉ là ở khía cạnh thành tích trên BXH mà còn là tầm vóc, sức ảnh hưởng của đội bóng trên toàn thế giới, và hơn cả là khả năng đưa ra những quyết định trọng đại.
Nếu Wenger bước vào phòng họp của Arsenal lúc này, chắc chắn rằng mọi thành viên liên quan tới việc điều hành và chuyên môn của đội bóng sẽ phải lắng nghe, bởi cả 3 người nắm giữ vị trí chuyên môn cao nhất ở đội bóng này đều còn trẻ và có nhiều điều cần học hỏi.
Với Mikel Arteta, đây là lần đầu tiên ông nắm giữ vị trí HLV trưởng. Với Edu, vai trò giám đốc kỹ thuật của Arsenal cũng là lần đầu tiên ông làm việc tại một CLB Châu Âu sau khi tích lũy kinh nghiệm từ CLB Corinthians ở quê nhà Brazil với vị trí tương tự, còn Vinai Venkatesham dù đã nắm giữ nhiều vị trí khác nhau tại Arsenal thì ông vẫn còn lạ lẫm với vai trò Giám đốc điều hành. Phía trên họ, Ban lãnh đạo của Arsenal cũng thiếu kinh nghiệm làm việc trong môi trường bóng đá nên khó lòng đưa ra những chỉ đạo hiệu quả nhất.
Nếu nhìn vào những gì mà Wenger đã làm được trong những năm tháng gắn bó với Arsenal, có lẽ nhiều người hâm mộ đội bóng này sẽ đồng ý rằng lẽ ra câu chuyện thời hậu-Wenger phải rất khác.
Đầu tiên, ta phải lật lại thời điểm quyết định chia tay Wenger, câu hỏi đầu tiên mà giới chủ Arsenal nên đặt ra là nếu quyết định thay kiến trúc sư trưởng thì ai là người phù hợp nhất với cấu trúc hiện tại của đội bóng?
Tại đay ta sẽ phải nhìn sang cách mà Manchester United thích ứng sau khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu. Mặc dù không còn giữ vai trò HLV trưởng, nhưng Ferguson vẫn luôn quan tâm tới các vấn đề của đội bóng. Ông đã tiến cử David Moyes là người kế nhiệm mình tại Old Trafford nhưung đáng tiếc là mọi chuyện không như mong muốn, thế nhưng chiến lược gia vĩ đại của Manchester United vẫn luôn hướng về đội bóng mà mình gắn bó rất nhiều năm và sẵn sàng trợ giúp khi cần.
Với những hiểu biết về đội bóng, Ferguson chắc chắn sẽ cảm nhận được ai là người phù hợp nhất để nắm giữ vị trí HLV trưởng tại Manchester United, và chắc chắn những Jose Mourinho hay Louis van Gaal – 2 cái tên mà Ed Woodward đưa về – không phải là ưu tiên hàng đầu của ông bởi những khác biệt trong phong cách quản lý, chiến thuật và triết lý bóng đá.
Tuy nhiên Ferguson sẵn lòng đồng hành với Ole Gunnar Solskjaer. 2 người thường xuyên nói chuyện với nhau, và thậm chí Ferguson còn nhiều lần trở lại sân tập của Manchester United để quan sát các cầu thủ và cùng 2 người học trò cũ là Solskjaer – 48 tuổi, và Michael Carrick – 40 tuổi thảo luận các vấn đề chuyên môn. Ông cũng thường xuyên có mặt tại Old Trafford khi Manchester United thi đấu và sẵn sàng đưa ra những lời khuyên khi cần. Đáng chú ý, Ferguson cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình đàm phán đưa Cristiano Ronaldo trở lại nhờ vào mối quan hệ tốt đẹp giữa ông và siêu sao người Bồ Đào Nha, đồng thời cũng thường xuyên đưa ra ý kiến về những tài năng trẻ mà Quỷ đỏ đang có.

Sau khi rời khỏi arsenal, Wenger đảm nhận vị trí Giám đốc phát triển bóng đá toàn cầu của FIFA. Đó là vị trí giúp ông tạo được sức ảnh hưởng và nguồn động lực cho cả một guồng máy trên toàn thế giới, nơi ông sử dụng kiến thức và trí tuệ của mình để tiếp tục cống hiến cho bóng đá. Dĩ nhiên không phải lúc lào những đề xuất của ông cũng được ủng hộ – ví dụ như việc tổ chức World Cup 2 năm/lần chẳng hạn – nhưng ai cũng hiểu rằng ông là một trong những chuyên gia bóng đá hàng đầu thế giới và lẽ ra những kiến thức này đã có thể thuộc về Arsenal.
Có vài người cũng cho rằng hành trình của Wenger tại Emirates lẽ ra phải kéo dài hơn. Khi đội bóng gặp khó khăn thì thay đổi là điều cần thiết, và người hâm mộ chỉ trích đội bóng cũng bởi họ trông mong vào sự thay đổi. Nhưng có lẽ điều họ nên làm là tổ chức lại phương pháp hoạt động theo phong cách cũ với một người nắm toàn bộ quyền quyết định về chuyên môn bằng một bộ máy hiện đại và hợp thời hơn. Bên cạnh việc tìm cách cải thiện tài chính, họ nên tạo mối quan hệ với những người đại diện, đầu tư hơn vào hệ thống số liệu và phân tích, quan tâm hơn tới ý kiến của các chuyên gia y tế để giữ phong độ cho cầu thủ, từ đó công việc của một HLV sẽ hình thành. Ở một đội bóng lớn như Arsenal thì việc một người quản lý toàn bộ các vấn đề chuyên môn là không thể, và bản thân Wenger – trong những năm cuối cùng ở Emirates – cũng thường xuyên lắng nghe đội ngũ chuyên gia, gạn lọc những thông tin quan trọng nhất hòng giúp đội bóng thắng trong trận kế tiếp.
Sau khi Wenger ra đi, Arsenal cải tổ hoàn toàn bộ máy điều hành với Unai Emery làm HLV trưởng, Raul Sanllehi trở thành giám đốc phát triển bóng đá, Sven Mislintat chịu trách nhiệm phân tích chuyển nhượng và hỗ trợ cho CEO Ivan Gazidis. Chuyện sau đó chúng ta đã biết, Arsenal không đạt được kỳ vọng và cả 4 người này đều đã ra đi.
Dĩ nhiên thời gian không thể đảo ngược, và Arsenal đã chọn cách đặt dấu chấm hết cho hành trình cùng Arsene Wenger, nhưung nếu được chọn lại, liệu Ban lãnh đạo đội bóng này có tìm một con đường thay đổi khác mà chiến lược gia người Pháp có thể đồng hành cùng đội bóng? Biết đâu họ sẽ đi một con đường khác, vận dụng được những kiến thức của một trong những bộ óc vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá và luôn dành tình cảm cho CLB này?
25 năm nắm quyền và biến đổi Arsenal thành một thế lực hùng mạnh, Arsene Wenger xứng đáng với từng lời khen mà người hâm mộ đã dành tặng cho ông, song tới lúc này Arsenal vẫn chưa khánh thành một bức tượng tôn vinh HLV người Pháp nào cả, ông cũng không được đặt tên cho một khán đài, một sân tập hay một hệ thống bóng đá. Tất cả những gì mà Arsenal giữ lại là những ý tưởng mà ông đã đem tới kể từ khi nắm quyền tại đội bóng, nhưng lẽ ra họ nên phát huy các yếu tố đó tốt hơn nữa.
Liệu lúc này đã quá muộn để sửa chữa một sai lầm trong quá khứ? Tấm gương vỡ liệu có lành lại và liệu Arsenal có nghĩ tới việc đưa Arsene Wenger trở lại Emirates? Đó là câu hỏi mà Ban lãnh đạo đội bóng này nên nghiêm túc cân nhắc và trả lời.