Nguồn: Ryan O’Hanlon (ESPN)
Từng có một quãng thời gian dài, công thức chiến thắng của một đội bóng đơn giản chỉ là… có Cristiano Ronaldo. Xây dựng một đội ngũ xoay quanh CR7, khai thác tối đa những phẩm chất tuyển đỉnh của siêu sao người Bồ Đào Nha và chinh phục các danh hiệu.
Từ 2012-2018, các đội bóng của Ronaldo, từ CLB Real Madrid đến ĐTQG Bồ Đào Nha giành 4 Champions League, 2 La Liga và 1 Euro. Tức cứ mỗi năm 1 danh hiệu lớn và cần lưu ý Real Madrid và Bồ Đào Nha của Ronaldo đã chính phục những đỉnh cao ấy trong thời đại của Barcelona – Lionel Messi, Bayern Munich – Pep Guardiola, Tây Ban Nha – Vicente del Bosque, Đức – Joachim Low và Pháp – Didier Deschamps.
Theo nghĩa chân thực nhất, Ronaldo chính là cầu thủ hiệu quả số 1 Thế giới. Những gì mà CR7 thể hiện trên sân cỏ, cách anh chiến đấu, chiến thắng và ghi bàn phản ánh rõ ràng và trực tiếp nhất cách mà một cầu thủ có thể làm tất cả để giành những danh hiệu lớn.
Ronaldo đã giành được 4 trong 5 Quả bóng Vàng của anh trong quãng thời gian 7 năm từ 2012-2018. Tuy nhiên sau 2018, những danh hiệu cá nhân và tập thể cao cấp nhất đã quay lưng với Ronaldo. Quả bóng vàng cuối cùng của CR7 đến vào năm 2017. Danh hiệu vô địch đáng kể cuối cùng của CR7 là Scudetto cùng Juventus năm 2020. Kể từ năm 2019, tất cả các đội bóng của Ronaldo không tiến xa hơn vòng 1/8 Champions League.
Từ chỗ là nhân tố quyết định, thậm chí là ngôi sao đảm bảo chiến thắng và giành các danh hiệu, gần đây có một cảm giác thậm chí là 1 luồng quan điểm mạnh mẽ cho rằng, Ronaldo là tác nhân gây hại cho công thức chiến thắng của 1 tập thể.
Ở tuổi ngoài 30 – giờ là 37, CR7 vẫn ghi bàn khá đều đều nhưng những bàn thắng ấy lại không đủ để giúp các đội bóng anh khoác áo chinh phục đỉnh cao. Thậm chí không thiếu những bằng chứng cho thấy, việc Ronaldo rời đi giúp 1 đội bóng tốt hơn và việc anh xuất hiện khiến 1 tập thể khác tệ đi.
Trận play-off World Cup 2022 với Thổ Nhĩ Kỳ đến trong một thời điểm mà giá trị đảm bảo chiến thắng của Ronaldo bị hoài nghi lớn nhất. World Cup là danh hiệu lớn duy nhất không hiện diện trong bộ sưu tập siêu khủng của CR7 và anh thậm chí đang đối mặt với nguy cơ không thể góp mặt ở VCK tại Qatar.
Và đây có lẽ cũng chính là thời điểm thích hợp nhất để chúng ta nhìn lại cái gọi là giá trị Ronaldo, qua từng giai đoạn quan trọng trong sự nghiệp. Nào các anh em, hãy thực hiện chuẩn chỉ 5K, subscribe kênh, like các sản phẩm của GKĐ để cùng chúng tôi bắt đầu nha!
********************
Hiệu suất đỉnh cao của Cristiano Ronaldo, giai đoạn mà anh tốt hơn bất kỳ ai trừ duy nhất kỳ phùng địch thủ Lionel Messi – là ở Real Madrid, từ 2010-2015. Ở giải quốc nội trong quãng thời gian này, Ronaldo ghi bình quân 31 bàn thắng không phải phạt đền mỗi mùa bên cạnh 11 pha kiến tạo giúp đồng đội lập công.
Mùa trước, chỉ có duy nhất 1 cầu thủ thuộc 5 giải giải hàng đầu châu Âu vượt mốc 30 bàn-không-pen ở đấu trường VĐQG (Robert Lewandowski) và số cầu thủ có từ 11 đường chuyền thành bàn cũng chỉ là 14. Trong giai đoạn prime của mình, Ronaldo làm được cả cả 2 mỗi mùa, trong nửa thập kỷ liên tiếp.
Những gì mà tất cả chúng ta đã và đang trầm trồ về Lewandowski của 2020, năm ngoái và mùa này thì Ronaldo còn làm được tốt hơn nhiều từ trước đó lâu rồi. Với tất cả sự tôn trọng dành cho ngôi sao người Ba Lan, chúng tôi vẫn xin khẳng định: đỉnh cao của Lewandowski thậm chí còn không bằng hiệu suất bình quân của Ronaldo trong quãng thời gian mà CR7 hay nhất!
Và Ronaldo đạt được những cột mốc siêu hạng và bàn thắng- kiến tạo ấy không phải với tư cách một số 9, một trung phong – một striker. CR7 không phải là ngôi sao đầu tiên thành công trong vai trò một tiền đạo cánh nghịch chân, nhưng anh là nguyên mẫu xuất sắc nhất, định nghĩa lại vị trí này trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại.
Bạn có thể hình dung như thế này về Ronaldo thời kỳ đỉnh cao, đó là “một Mohamed Salah thuận chân phải, cao hơn, nhanh hơn, khỏe hơn và hiệu suất tốt hơn 60%”.
Trong quãng 2010-15, Ronaldo có bình quân 60 pha chạm bóng mỗi trận, tham gia vô cùng tích cực vào quá trình build-up của toàn đội, liên tục kéo bóng tịnh tiến và sẵn sàng tung ra các đường chuyền mạo hiểm ở 1/3 cuối sân.
Thống kê cho thấy, Ronaldo prime thực hiện trung bình 5 đường chuyền vào box mỗi trận, có 8 pha chạm bóng trong vòng cấm. Mỗi 90 phút, CR7 có 5 nỗ lực đi bóng qua người và 38 lần kéo bóng.
Ronaldo nhận bóng ở biên trái, phối hợp đập nhả hoặc kéo bóng và sát hoặc trong zone 13-14, dứt điểm và ghi bàn. Đó là hình ảnh quen thuộc mà chúng ta thường xuyên được chứng kiến giai đoạn 2010-2015. Còn đây là bản đồ nhiệt của CR7 tại La liga trong quãng thời gian ấy.
**********************
Trong 3 năm tiếp theo, thời điểm Ronaldo đã bước vào tuổi băm, về mặt kỹ thuật, anh đã tiến hóa từ một cầu thủ chạy cánh nghịch chân (inverted winger) sở hữu hiệu suất ghi bàn hơn cả một số 9 thành một tiền đạo xuất phát lệch về bên trái (inside forward).
Số lần chạm bóng mỗi trận của Ronaldo giai đoạn 2015-2018 giảm 5 đơn vị (từ 50 xuống 45), số lần kéo bóng cũng giảm mạnh (từ 38 xuống 29), tần suất thực hiện các pha đi bóng qua người thậm chí giảm phân nửa (xuống 2.5).
Mùa giải cuối cùng của Ronaldo ở Real Madrid, 2017/18 chứng kiến anh chạm bóng trong vòng 16m50 nhiều nhất kể từ năm 2009, bình quân 10 lần mỗi trận. Anh vẫn đạt hiệu suất ghi bàn rất cao ở giải VĐQG trong quãng thời gian này, 24 bàn không pen mỗi mùa và sở hữu tổng cộng 22 pha kiến tạo trong 3 mùa. Nhưng rõ ràng, so với 5 năm prime trước đó, hiệu suất đã đi xuống Bản đồ nhiệt của CR7 tại La Liga giai đoạn 2015-2018 đặc tả sự khác biệt lớn nhất của CR7 tuổi băm so với trước đó, khi anh hiện diện thường trực hơn trong vòng cấm địa đối phương.
Rời Real Madrid Hè 2018, Ronaldo gia nhập Juventus, đội bóng không sở hữu một hàng tiền vệ thượng thặng như CLB Hoàng gia Tây Ban Nha và hoàn toàn không ngạc nhiên khi CR7 ở tuổi 34-35 và 36 phải làm việc nhiều hơn so với khi anh còn khoác trên mình màu áo trắng Los Blancos.
Bình quân mỗi trận trong màu áo Juventus, chỉ tính Serie A, CR7 chạm bóng 54 lần, kéo bóng 35 lần, và hình ảnh “số 7” thường xuyên lùi về khu vực giữa sân, nhận bóng từ đồng đội và đưa bóng lên phía trước là thứ mà các Juventini chứng chứng kiến hầu như mỗi trận.
Tỷ lệ chuyền chính xác trung bình của Ronaldo ở Juventus là 84%, cao hơn mọi mùa giải ở Real Madrid là hoàn toàn dễ hiểu vì anh thường xuyên chơi xa khung thành và thực hiện nhiều hơn các đường chuyền an toàn. Các đường chuyền vào vòng cấm giảm xuống còn 3.5 lần mỗi trận. Tần suất chạm bóng trong box đối phương của CR7 với Juventus tất nhiên cũng giảm, chỉ còn 7 lần/ trận.
Với Juventus, Ronaldo chỉ đạt hiệu suất 19 bàn không pen và 5 pha kiến tạo thành bàn mỗi mùa. Rất rõ ràng, Ronaldo của Juventus cầm bóng nhiều hơn, chuyền nhiều hơn nhưng anh làm các công việc đó ít thường xuyên hơn ở các khu vực quan trọng.
****************
Còn giờ, với Man United, ở tuổi 37, tất cả những thống kê về chạm bóng (43 lần mỗi trận), nỗ lực rê bóng qua người (1.5), kéo bóng (23), chuyền vào vòng cấm (2), hiệu suất ghi bàn và kiến tạo của CR7 đều giảm mạnh, thậm chí là thấp nhất kể từ 2008. Nhưng Ronaldo của MU là 1 trong 8 cầu thủ chạm bóng nhiều nhất trong vòng 16m50 tại Premier League mùa này. Ronaldo của hiện tại, tóm lại, đã chơi gần như một striker đúng nghĩa.
Hai phác đồ sau đây, được thực hiện bởi Twelve Football đặc tả hiệu suất của Ronaldo-MU mùa này ở trạng thái CÓ BÓNG (hình bên trái) và khi KHÔNG BÓNG (bên phải) trong quan hệ so sánh với các cầu thủ chơi cùng vai trò (striker).
Rất rõ ràng, Ronaldo vẫn rất ok ở khả năng tạo ra bàn thắng kỳ vọng từ các pha dứt điểm (đạt điểm số 90/99), đạt mức khá ở nỗ lực đi bóng (78/99), vẫn là điểm nhận bóng thường xuyên từ các đồng đội (83/99). Nhưng những hạng mục chuyên môn từng được coi là nổi bật nhất của CR7 thì giảm sâu, như không chiến (16/99), kéo bóng (63/99) hay chuyền bóng ở 1/3 cuối sân (58/99). Đó là Ronaldo khi CÓ BÓNG.
Còn Ronaldo khi KHÔNG BÓNG thì sao? Hai thông số cao nhất của CR7 là di chuyển vào vòng cấm và di chuyển để tạo ra cơ hội dứt điểm cho bản thân anh, đều đạt mức 90 hoặc hơn 90/99 điểm. Không có gì ngạc nhiên khi các thống kê về tần suất chạy nước rút, chạy ở tốc độ cao và chạy để mở ra khoảng trống cho đồng đội của CR7 mùa này đều dưới mức trung bình của 1 tiền đạo Premier League. Anh dù sao cũng đã bước qua tuổi 37 rồi. Tất nhiên, thông số không-bóng thấp nhất của CR7 chính là các hành động pressing ở 1/3 cuối sân, chỉ 4/99 điểm, thuộc nhóm các tiền đạo it pressing nhất giải đấu, điều mà chúng ta vốn dĩ không hề bất ngờ.
Suy cho cùng, việc nhiều thống kê về chuyên môn của Ronaldo-MU không còn cao như trước, thậm chí còn dưới mức trung bình khi so sánh với các cầu thủ chơi cùng vị trí, không phải là thứ đáng bàn. CR7 dù có là siêu sao bậc nhất của kỷ nguyên bóng đá hiện đại, là hình mẫu chuyên nghiệp xưa nay hiếm thì anh cũng chỉ là con người, không thể thắng được quy luật tự nhiên sinh-lão-bệnh-tử.
*****************
Điều mà chúng ta cần quan tâm, là tác động thực sự của CR7 đối với các đội bóng mà anh khoác áo. Vai trò, giá trị, tầm ảnh hưởng của 1 cầu thủ đối với một đội bóng là thứ có thể tạo ra sự tranh cãi dai dẳng nếu không đánh giá chúng bằng một phương pháp luận cụ thể.
Theo FiveThirtyEight thì cách tốt nhất nhất, chính là quy ra điểm số mỗi mùa giải để từ đó đưa ra kết luận cơ bản về việc CR7 giúp đội bóng của anh tốt lên hay tệ đi. Và trong 5 mùa bóng vừa qua, có vẻ như các CLB của Ronaldo không hề tốt hơn chính họ dù CR7 vẫn luôn là cây săn bàn số 1. Hãy cùng chúng tôi liệt kê chi tiết.
+ Mùa 2017/18, mùa cuối của Ronaldo với Real Madrid, CLB Hoàng giành giành 76 điểm, chỉ về thứ 3 La Liga, sau Barcelona và Atletico.
+ Mùa 2018/19, mùa đầu tiên có Ronaldo: Juventus giành 90 điểm, ít hơn 5 điểm so với mùa bóng trước đó.
+ Mùa 2019/20, Juventus giành 83 điểm, thấp nhất kể từ năm 2011.
+ Mùa trước, “Bà đầm già” có 76 điểm chung cuộc, về đích thứ 4, kết thúc kỷ nguyện 9 năm thống trị Serie A.
+ Mùa này, với Ronaldo, MU có 50 điểm sau 29 trận. Mô hình dự đoán của FiveThirtyEight chỉ ra rằng, 63 sẽ là tổng điểm chung cuộc của “Quỷ đỏ” và nếu thế, đây sẽ là thành tích điểm thấp nhất trong kỷ nguyên Ngoại hạng Anh của CLB thành Manchester. Để tiện so sánh, mùa trước MU về nhì với 74 điểm.
Tới đây, chúng ta có 2 luồng quan điểm đối chọi nhau về cách đánh giá giá trị của Ronaldo với MU mùa này và trong khoảng 3-4 năm qua.
+ Thứ nhất: Ronaldo đã và đang khiến các đội bóng mà anh khoác áo tệ đi.
+ Thứ hai, Ronaldo vẫn duy trì hiệu suất của 1 cầu thủ tấn công hàng đầu nhưng các đồng đội của anh ta kém hơn, hoặc phong độ sa sút và những điều đó không liên quan đến sự hiện diện của CR7.
Lướt qua tất cả các diễn đàn và fanpage, chúng ta sẽ thấy một cuộc chiến quen thuộc giữa Fan Ronaldo và Fan MU đấu đá nhau về chủ đề: CR7 gánh đội và CR7 hại đội. Theo chúng tôi, không nên tranh cãi làm gì bởi thực tế, nên hiểu như thế này.
+ Ronaldo đang là cầu thủ có hiệu suất tốt nhất MU, nhưng cái tốt nhất đó, ở 1 cầu thủ tuổi 37, vẫn kém xa so với tất cả các mùa giải trước đó của anh, và chỉ đủ để giúp “Quỷ đỏ” cải tử hoàn sinh 1 số trận.
+ Rất nhiều vị trí của MU mùa này chơi dưới khả năng của họ, thậm chí sa sút phong độ và một phần nguyên nhân trong số đó là sự hiện diện của CR7 khiến “Quỷ đỏ” phải áp dụng một cách tiếp cận khác với những gì mà nhiều cầu thủ của họ đã quen từ 1-2 mùa trước.
Vẫn theo FiveThirtyEight, thì đóng góp bàn thắng của Ronaldo, đang giảm dần theo thời gian, qua từng CLB.
+ Tại Real Madrid: Ronaldo ghi 33% số bàn thắng của cả đội, góp 14% số kiến tạo.
+ Tại Juventus, Ronaldo ghi 32% số bàn thắng và góp 11% số kiến tạo.
+ Với MU mùa này, là 28% bàn thắng và 10% kiến tạo.
Bảng xếp hạng các cầu thủ tấn công của FiveThirtyEight chỉ ra rằng, mùa này Ronaldo đứng thứ 64 về hiệu quả đóng góp cho CLB ở giải VĐQG, tức sau Moussa Diaby của Leverkusen (xin hỏi fan MU có biết cầu thủ này không ạ), và ngay phía trên Luis Muriel ở Atalanta. Top 10 bảng xếp hạng này của FiveThirtyEight tấn nhiên đều là những cái tên quen thuộc: Robert Lewandowski (Bayern), Erling Haaland, Lionel Messi (PSG), Ederson (Man City), Mohamed Salah (Liverpool), Thomas Mueller (Bayern), Karim Benzema (Real Madrid), Kevin de Bruyne, Joao Cancelo (Man City) và Kylian Mbappe (PSG).
Hạng 64 trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu thực ra không phải tệ với một cầu thủ đã 37 tuổi như Ronaldo. Nhưng khi người đứng hạng 64 là 1 trong 2 người tốt nhất ở MU (người còn lại là Bruno Fernandes – hạng 37) thì đó lại là vấn đề lớn.
Lee Richardson, chuyên gia khoa học dữ liệu cấp cao của Google mới đây đã đưa ra nhận xét thế này về “vấn đề Ronaldo”:
“Rất đơn giản, sự sa sút về mặt hiệu suất của Ronaldo thể hiện rõ ràng ở việc anh đã không còn giúp các CLB của mình, từ Juventus và Man United giành được nhiều chiến thắng như đã từng. Tác động của Ronaldo trong việc tối đa hóa điểm số ở 2 CLB này không cao so với những cầu thủ chơi cùng vị trí với anh ấy trước đó. Tuổi tác của Ronaldo và chất lượng đồng đội ở Juventus và Man United, tất nhiên, là những nguyên nhân số 1, đặc tả bản chất của sự sa sút. Ronaldo vẫn sở hữu hiệu suất không tầm thường nhưng so với chính anh thời đỉnh cao và một số siêu sao khác thì rõ ràng là không tốt bằng”.
***************
Nhưng vấn đề là ở chỗ, vì Ronaldo là… Ronaldo, một cầu thủ luôn muốn ra sân, thi đấu và đá trọn 90 phút bất cứ khi nào anh cảm thấy mình đủ trí-lực để làm điều đó. Và các HLV của anh đa số đều không sẵn sàng để CR7 ngồi dự bị. Mùa trước, ở Juventus, Ronaldo thậm chí có số phút thi đấu nhiều hơn 5/9 mùa giải anh khoác áo Real Madrid. Trong khi, về cơ bản, một cầu thủ đã nhiều tuổi hơn và không thể chạy nhiều như trước, không thể đóng góp nhiều như đã từng, thì anh ta lẽ ra phải có thời gian hiện diện trên sân giảm đi.
Vấn đề tương tự cũng đang diễn ra ở tuyển Bồ Đào Nha, bất chấp bóng đá cấp quốc tế không giống với cấp CLB. Cấu trúc tấn công ít phức tạp hơn, tần suất tạo áp lực và pressing tầm cao thấp hơn, tốc độ luân chuyển bóng cơ bản cũng chậm hơn.
Thời điểm này năm ngoái, Bồ Đào Nha của Ronaldo đứng thứ 5 trên BXH Elo, giờ là hạng 8. Việc Bồ Đào Nha phải đá play-off giành vé tới Qatar dù rơi vào một bảng đấu Vòng loại khá dễ với những Serbia, CH Ireland, Azerbaijan và Luxembourg cũng có thể coi là bằng chứng cho thấy những đóng góp của CR7 cho Selecao không còn giá trị như trước.
Nếu chỉ tính các trận đấu tại vòng loại Nations League 2020-21, Euro 2020 và World Cup, Ronaldo đang ghi trung bình khoảng 0,5 bàn thắng không phạt đền mỗi 90 phút, 48 lần chạm bóng, 5 lần chạm bóng trong vòng cấm, 3 đường chuyền vào box và 28 hành động kéo bóng. Điều đó không quá khác so với những gì chúng ta đã thấy ở cấp CLB gần đây.
Theo xếp hạng của FiveThirtyEight mà chúng tôi đã nhắc tới ở trên, có 4 cầu thủ Bồ Đào Nha hiện đang đứng trên Ronaldo ở giá trị đóng góp cho CLB: Cancelo (9), Bernardo Silva (11), Ruben Dias (13) và Bruno Fernandes (thứ 37). Trong khi đó Diogo Jota cũng sở hữu hiệu suất ghi bàn cao hơn Ronaldo mùa này cho Liverpool, và là 1 trong những cầu thủ kéo bóng tốt nhất giải đấu. Thống kê từ fbref chỉ ra rằng, Jota – trẻ hơn Ronaldo 11 tuổi – đã thực hiện 420 hành động pressing tại Premier League mùa này so với chỉ 143 lần của Ronaldo. Tại VL World Cup 2022, hiệu suất ghi bàn không pen của Jota là 0.69 mỗi 90 phút – hơn hẳn CR7.
Jota cũng đang tiến hóa để trở nên gần với một chân sút ghi bàn cho Liverpool, như 1 số 9 ảo. Anh đã không còn là 1 cẩu chạy cánh thuần túy người có thể và sẵn sàng làm nền cho CR7 ở cấp đội đội tuyển như trước nữa. Tất nhiên, chúng ta cho tới thời điểm này buộc phải thừa nhận Ronaldo và Bruno Fernandes chưa bao giờ thực sự hòa hợp với nhau dù là ở CLB MU hay tuyển Bồ Đào Nha.
Nếu chỉ xét hiệu suất thuần túy, Jota và Joao Felix người vừa cùng Atletico loại MU của Ronaldo ở vòng 1/8 Champions League, xứng đáng đá chính hơn Ronaldo. Nhưng để Ronaldo ngồi dự bị, trong một trận đấu quyết định của Bồ Đào Nha, thậm chí là quyết định cơ hội dự kỳ World Cup cuối cùng trong đời của CR7 chắc chắn là viễn cảnh vô lý. HLV Fernando Santos sẽ không bao giờ làm điều đó. Không HLV nào “dám” đối mặt với kết cục: đội nhà thua trận vì để Ronaldo dự bị cả.
Ngay cả khi những mô hình tính toán chi tiết nhất, khách quan nhất, số hóa nhất như FiveThirtyEight thì cũng chỉ là kết quả dựa trên những gì đã qua, hoàn toàn không phải là phương pháp đảm bảo độ chính xác trong việc dự đoán tương lai.
Máy tính nào, phương pháp nào có thể dự đoán được màn trình diễn siêu hạng và cú hat-trick của Ronaldo trước Tottenham mới đây. Dù những khoảnh khắc kỳ vĩ ấy đã không xảy ra một cách thường xuyên ở Ronaldo tuổi 37, như nó vẫn chưa hoàn toàn mất đi.
Đêm mai, Bồ Đào Nha sẽ đá trận bán kết play-off với Thổ Nhĩ Kỳ và nếu thắng, Ronaldo cùng các đồng đội sẽ đối đầu với Italia hoặc Macedonia ở chung kết quyết định suất dự World Cup tại Qatar cuối năm nay.
Những trận đấu lớn luôn cần những cầu thủ lớn. CR7 của hiện tại tuy đã không còn giữ được hiệu suất siêu hạng như đã từng, nhưng quy luật của thời gian vẫn chưa thể lấy đi những khoảnh khắc, những “sát-na” tạo ra sự khác biệt nơi anh.
Ronaldo, hơn ai hết, biết rõ điều đó!