Nguồn: FootballTotalAnlysis
Trên BXH giải VĐQG Hà Lan Eredivisie, Ajax đang dẫn đầu với thành ích 60 điểm sau 25 trận, hơn 2 so với đại kình địch PSV Eindhoven. Mô hình phát hiện và phát triển những tài năng trẻ của Ajax, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn phát huy tác dụng tốt, một mặt giúp đội bóng thành Amsterdam đảm bảo được sức khỏe tài chính từ việc xuất khẩu cầu thủ, mặt khác tạo nền bóng vững chắc để duy trì sức cạnh tranh các danh hiệu lớn.
Vai trò của Erik Ten Hag, trong việc nâng cao, gắn kết và thúc đẩy các cầu thủ trẻ để tạo ra một tập thể tốt, dĩ nhiên vô cùng quan trọng. Tài trí của Ten Hag cùng các cộng sự đã giúp một lứa trẻ Ajax vào tới bán kết Champions League 2019 và hiện tại là một Thế hệ cầu thủ khác, xuất sắc không kém, sẵn sàng vượt vũ môn.
Đây là mùa bóng thứ 6 của Ten Hag ở Ajax và hầu như chắc chắn cũng sẽ là mùa cuối cùng khi ngàn vạn thông tin đang gắn kết ông với vị trí HLV trưởng của MU.
Tại sao Ten Hag là HLV là 1 trong những HLV được đánh giá cao nhất ở thời điểm hiện tại và tại sao MU lại muốn có HLV 52 tuổi này, cách tốt nhất để đi tìm đáp án cho những câu hỏi đó chính là phân tích đội bóng mà ông ta đang dẫn dắt: Ajax.
Trong video hôm nay, GKĐ chúng tôi sẽ gửi tới các bạn bản lược dịch bài viết của Lorihana Shushkova trên Total Football Analysis, để từ đó chúng ta có được một cái nhìn sâu hơn về những dấu ấn sâu sắc của Ten Hag trong sự phát triển của Ajax.
Ajax đã ghi 74 bàn sau 25 trận mùa này. Trong 10 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, không CLB nào sở hữu hiệu suất ghi bàn “khủng” như đội bóng của Ten Hag. Nhưng Ajax “nổ” nhiều vốn không phải là thứ gì đó quá sốc. Thành tích phòng ngự của họ, chỉ 9 bàn thua tính đến thời điểm hiện tại ở giải Eredivisie mới là thống kê khiến giới chuyên môn “giật mình”. Vậy điều gì khiến Ajax ghi bàn giỏi nhưng vẫn đạt hiệu quả phòng ngự siêu cấp đến vậy?
Trước hết, chúng ta sẽ cùng nhau xem xét kết cấu đội hình và phong cách chơi của Ajax-Ten Hag. 4-2-3-1 và 4-3-3 là 2 mô hình ưa thích của Ten Hag trong 6 mùa giải dẫn dắt Ajax. Nhưng khoảng 1 năm trở lại đây, “Mười khó” sử dụng thường xuyên 4-3-3 hơn.
Ajax đã ghi 74 bàn thắng với thống kê xg là 66.5, tức vượt mức kỳ vọng 7.5 bàn và là đội số 1 giải đấu ở hạng mục này. Cặp đôi Dusan Tadic và Sebastien Haller của Ajax đều đang dẫn đầu BXH và kiến tạo của Eredivisie 2021/22.
Điểm nổi bật ở Ten Hag chính là ở chỗ: 4-3-3/ 4-2-3-1 của ông liên tục có sự tinh chỉnh để từ đó tạo ra một hệ thống linh hoạt có thể khai thác hết tiềm năng của các cầu thủ mà ông có trong tay.
Ajax của Ten Hag, tất nhiên đề cao việc phát triển bóng từ hậu tuyến với sự tham gia tích cực của thủ môn Remko Pasveer, cặp trung vệ tịnh tiến bóng tốt, các hậu vệ biên cực kỳ linh hoạt trong việc mở rông biên độ triển khai bóng và tất nhiên, khả năng định vị vị trí – kiểm soát không gian xuất sắc của hầu như tất cả các mắt xích trên sân. Điều đó giúp Ajax đa dạng hóa các phương án triển khai bóng đồng thời hạn chế được rất nhiều rủi ro có thể xuất hiện.


Đội bóng của Ten Hag sở hữu hiệu suất phòng ngự tốt, trước hết là bởi ông đã xây dựng được một chiến thuật pressing với cường độ mạnh và tập trung dồn ép ở các vị trí cao. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Ajax- Ten Hag là 1 trong 5 đôi có số lần thu hồi bóng thành công cao nhất châu Âu mùa này.
Mùa giải hiện tại, chứng kiến một Ajax chuyển từ trạng thái CÓ BÓNG sang KHÔNG BÓNG uyển chuyển và mượt mà hơn nhiều so với 5 mùa giải trước đó. Sự cải thiện rõ ràng cũng đến ở các hoạt động phòng ngự 2 biên, vốn là điểm yếu cố hữu của Ajax.
Tới đây, chúng ta phân tích sâu hơn về chiến thuật pressing của Ajax. Ấn tượng đầu tiên đó chính là bài vở pressing rất linh hoạt. Thường thì đa số các đội bóng sẽ pressing theo 1 bài cơ bản nhưng Ten Hag đã dạy được cho các cầu thủ của ông, biết dồn chỗ nào, biến nhấn ở đâu tùy thuộc vào chiến lược cụ thể của phe đối lập.
Ưu tiên tất nhiên vẫn là thực hiện cường độ pressing lớn nhất ở các vị trí cao, và nếu không thành công trong việc giành lại bóng ở 1/3 cuối sân, hình dạng của Ajax sẽ ngay lập tức chuyển sang 4-5-1 hoặc 4-2-1-3.
Việc luôn đẩy đội hình lên cao với rất nhiều cầu thủ hiện diện ở 1/3 cuối sân giúp Ajax của ten Hag có thể phản ứng nhanh để giành lại bóng khi pha tấn công trước đó không thành, để từ thực hiện phản công ngay lập tức khi kết cấu đội hình đối phương xô lệch. Những hình ảnh sau đây sẽ cho chúng ta cái nhìn cụ thể hơn về cách Ajax dồn ép đối phương.




PPDA bình quân của 1 CLB thuộc 10 giải VĐQG hàng đầu châu Âu dao động quang mốc 10. PPDA là khái niệm đánh giá hiệu suất phòng ngự của 1 đội bóng, đo lường dựa trên mỗi hành động phòng ngự thành công sau một chuỗi chuyền bóng của đối phương. PPDA càng thấp thì hiệu quả phòng ngự càng cao. Và PPDA của Ajax mùa này là cực thấp, 6.57.
Tư duy về vị trí của các cầu thủ Ajax là cực tốt và đó rõ ràng là công đầu của Ten Hag. Không có cầu thủ chuyên nghiệp nào ngu, quan trọng là thầy dạy như thế nào để họ hiểu rõ, nắm bắt được cái tinh túy nhất và từ đó thực hiện trên sân gần như 1 phản xạ vô điều kiện.
Trở lại với mục đích chính của việc Ajax thường xuyên đẩy rất cao đội hình, tất nhiên là nhằm hạn chế tối đa không gian di chuyển và khả năng build-up của đối thủ. Hãy nhìn vào hình ảnh dưới đây để thấy các cầu thủ của Ten Hag đã giăng ra một địa ngục kiến dồn ép triệt để Vitesse như thế nào ở 1/3 cuối sân. Trừ việc thực hiện 1 đường chuyền dài với độ rủi ro cao, Vitesse đơn giản là không còn đường nào để thoát bóng.




Bình quân mỗi trận mùa này, Ajax chỉ cho phép đối phương tung ra 6.32 pha dứt điểm và 2/3 trong số đó không trúng đích. Mỗi 90 phút, Ajax có 92 lần giành lại quyền kiểm soát bóng thành công. Tức cứ 1 phút là họ cướp được bóng nhờ khả năng gây sức ép mạnh mẽ, tư duy nhạy bén trong việc dự đoán các đường chuyền và chuyển động của đối phương. Tất cả, đều là những thống kê kinh dị về hiệu quả phòng ngự.
Nhưng tất nhiên, không có cách tiếp cận nào là hoàn hoàn chẳng tì vết. Line đội hình rất cao và dồn ép cực mạnh ở 1/3 cuối sân cũng khiến Ajax phải đối mặt với những rủi ro phía sau lưng khi đối phương xuất sắc vượt qua khối pressing của họ.
Bí quyết để Ajax- Ten Hag hạn chế những rủi ro kiểu như vậy ở mùa giải hiện tại, chính là việc họ luôn cố gắng duy trì cấu trúc đội hình và yêu cầu mọi vị trí phải sự bao quát về vai trò và nhiệm vụ của mình kể cả khi CÓ BÓNG lẫn KHÔNG BÓNG.




Có một chi tiết dù nhỏ, nhưng theo chúng tôi, lại đặc tả sâu sắc nhất cách mà Ten Hag xây dựng đội bóng của ông. Tính trong 10 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, Ajax chính là 1 trong 3 đội giành lại bóng nhiều nhất sau mỗi lần thực hiện một pha dàn xếp tình huống cố định không thành công.
Nhắc đến đây, chắc khối fan MU giật mình? Mùa này, anh em “Quỷ đỏ” có lẽ đã chứng kiến không biết bao lần các pha đá phạt góc của MU trở thành cơ hội để đối phương phản công và làm khổ De Gea, phải không ạ!
Rõ ràng chất lượng cầu thủ của Ajax tuy là bậc nhất ở Eredivisie nhưng cũng chẳng thể so với khoảng gần 20 đội elite của châu Âu. Tạo dựng được một tập thể thi đấu với tư duy chiến thuật cao, phản ứng nhanh và cực kỳ linh hoạt trong bối cảnh hầu như mùa nào cũng chia tay những cá nhân tốt nhất, thì vai trò và công lao lớn nhất chính là ở người làm tướng.
Ajax của Ten Hag đã phát triển vượt bậc trong 3 năm qua, và mùa này họ đã cải thiện đáng kể ở hiệu suất phòng ngự và hiện đang là 1 trong những tập thể chơi pressing tốt nhất châu Âu. Ajax đang trên hành trình giành chức vô địch giải Hà Lan và hoàn toàn có thể tạo ra một cơn địa chấn mới ở Champions League. Và đó sẽ là món quà cuối cùng của ten Hag dành cho đội bóng thành Amsterdam, trước khi rời đi để đón nhận thách thức mới.
Thách thức mới ấy, rất – rất nhiều khả năng sẽ là MU, nơi Louis Van Gaal, Jose Mourinho và Ole Solskjaer đã thất bại còn Ralf Rangnick hiện tại thì đang phải đối mặt với muôn vàn trở lực để nắn lại một đội ngũ có vấn đề ở cả trình độ lẫn thái độ.
Tại Ajax, Ten Hag đã chứng tỏ ông là một chiến lược gia có Tài và có Tâm. Nhưng thứ chờ đợi Mười Khó Hà Lan ở MU, nếu ông quả thực sẵn sàng dấn thân, chắc chắn là một thử thách siêu cấp.