Chiều 21/4, Manchester United đã chính thức ra thông báo quyết định bổ nhiệm Erik ten Hag làm HLV trưởng từ mùa 2022-2023. Hợp đồng giữa đội chủ sân Old Trafford và Ten Hag bắt đầu tháng 7/2022 này đến tháng 6/2025, với điều khoản cho phép gia hạn thêm một năm.
Ten Hag ý thức được công việc khó khăn tại Old Trafford. Ông cho biết: “Thật là một vinh dự lớn khi được bổ nhiệm làm HLV MU. Tôi rất hào hứng với thử thách phía trước. Tôi biết lịch sử của MU cũng như sự cuồng nhiệt của CĐV. Tôi hoàn toàn quyết tâm xây dựng một đội bóng đủ sức giành vinh quang xứng tầm với CLB”.
Còn Ralf Rangnick, sau khi nhường ghế cho Ten Hag sẽ chuyển sang vai trò cố vấn. Rangnick đã không thể giúp MU khởi sắc ở kết quả thi đấu sau khi tiếp quản đội bóng vào cuối năm ngoái, nhưng ít nhất chiến lược gia người Đức cũng đã tạo ra những nền tảng căn bản của thứ bóng đá thời thượng ở tập thể này.
Theo Rangnick, MU chắc chắn sẽ thực hiện một cuộc cải tố lớn, ngay Hè này có thể cần bổ sung tới 6-7 thậm chí là 10 cầu thủ mới. Nhưng dù mua thêm bao nhiêu cầu thủ đi chăng nữa thì Ten Hag phải giải quyết 4 bài toán khó đầu tiên sau đây ở MU.
1. Vai trò của Cristiano Ronaldo mùa tới?
Đây sẽ là câu hỏi xuất hiện lập tức trong đầu của tất cả mọi người khi HLV người Hà Lan xác nhận dẫn dắt United mùa tới. Sẽ rất hấp dẫn để xem Ten Hag ứng xử với Ronaldo như thế nào.
Ronaldo đã 37 tuổi, nhưng như những gì CR7 đã thể hiện khi lập hat-trick tuyệt vời trong chiến thắng 3-2 trước Tottenham và Norwich, Tiền đạo người Bồ Đào Nha vẫn là số 9 chân sút hiệu quả nhất của MU.
Trên thực tế, với việc Edinson Cavani thường xuyên chấn thương, Marcus Rashford sa sút mạnh và Mason Greenwood đã “mất hình” gần 3 tháng qua, Ronaldo thực sự là lựa chọn chất lượng duy nhất của Quỷ đỏ ở vị trí trung phong. Thành tích 21 bàn thắng và 3 pha kiến tạo trong 34 trận trên mọi đấu trường cùng việc MU chỉ hòa đến thua ở các trận không Ronaldo là minh chứng rõ ràng rằng CR7 là người không thể thiếu với MU lúc này.
Tuy nhiên, như nhà báo bóng đá Hà Lan Marcel van der Kraan nói với Sky Sports News gần đây, Ten Hag đã giao hẹn trước chuyện được “tự do với việc quản lý các cầu thủ”. Do đó, ông có thể định hình lại đội bóng theo triết lý riêng, xây dựng MU xung quanh các cầu thủ trẻ và “chịu chơi” hơn.

Tất cả điều đó có thể đánh dấu sự kết thúc của Ronaldo ở Old Trafford dù năm ngoái, anh đã ký hợp đồng hai năm kèm tùy chọn gia hạn thêm 12 tháng. Về lý thuyết, việc CR7 ra đi sẽ khó tránh khỏi nếu Ten Hag muốn United chơi giống như cách của Man City.
Nhưng trên thực tế, chúng tôi cho rằng Ten Hag sẽ hướng tới 1 phương án khác, dung hòa hơn: vừa khai thác được giá trị chuyên môn và tầm ảnh hưởng của Ronaldo, lại vừa từng bước gây dựng một đội bóng chuẩn chỉ phong cách của ông. CR7 với bản CV đỉnh của chóp và kinh nghiệm đỉnh cao dạn dày là một “cánh tay nối dài” hiệu quả nếu được khai thác hợp lý, trong mùa giải đầu tiên mang tính bản lề của Ten Hag.
2. Declan Rice có phải là câu trả lời cho bài toán hóc búa ở hàng tiền vệ?
Hàng tiền vệ là một bài toán hóc búa dưới thời Ole Gunnar Solskjaer và HLV tạm quyền Rangnick cũng không tiến triển trong việc giải quyết sự mất cân bằng tuyến giữa. Thế nhưng với việc Paul Pogba sẽ ra đi vào mùa hè này, điều đó giúp Ten Hag dễ dàng dọn dẹp khu trung tâm vốn thiếu các công cụ cần thiết trong việc kiểm soát không gian và chuyển trạng thái.

Declan Rice có vẻ như mảnh ghép tốt cho Ten Hag xây dựng lại hàng tiền vệ. Rice đã được HLV David Moyes mô tả là “Cầu thủ xuất sắc nhất nước Anh mùa này”. Tất nhiên, Donny van de Beek đã đạt được rất nhiều thành công dưới thời Ten Hag, và tràn đây cơ hội để làm lại tại MU khi “mười khó” cập bến Old Trafford, nhưng Beek là 1 dạng tiền vệ khác. Còn Rice, hoặc ít nhất 1 tiền vệ trung tâm sở hữu phong cách chơi hiện đại, mới là người có thể tạo nên linh hồn của United trong thập kỷ tới.
West Ham cũng ý thức được giá trị của viên ngọc quý nên họ sẽ chỉ chấp nhận bán Rice với mức giá ít nhất là 150 triệu bảng. United đáng ra phải đối mặt với sự cạnh tranh từ Chelsea trong vụ mua thóc nhưng nhờ Chelsea đang gặp khó khăn về tài chính nên Quỷ đỏ rộng đường hơn trong việc gom lúa mua gạo Rice từ West Ham.
3. Jadon Sancho sẽ là key-player của Ten Hag, còn Rashford thì sao?
Khi United cuối cùng đã ký hợp đồng với Jadon Sancho vào mùa hè năm ngoái, viễn cảnh ngôi sao từng khoác áo Dortmund và Marcus Rashford chói sáng ở cả hai cánh khiến sân Old Trafford phát sốt. Hàng triệu người hâm mộ United trên khắp thế giới tin rằng CLB đã tìm thấy hai tiền đạo chơi rộng phù hợp để làm mưa, làm gió ở sân Old Trafford trong thập kỷ tới.
Tuy nhiên, 8 tháng sau, không cầu thủ nào được Gareth Southgate gọi vào tuyển Anh ở lần triệu tập gần nhất.
Sự sa sút của Rashford là điều cũng ta thấy gần như mỗi tuần, nhưng Sancho thì khác. Mới chỉ đá chính bốn trận đấu ở Premier League trước khi Ole Gunnar Solskjaer bị sa thải, cầu thủ 22 tuổi này đã được hà hơi tiếp sức bởi HLV tạm quyền Ralf Rangnick và ngay lập tức cho thấy những bước tiến mạnh mẽ.
Với tài phát triển cầu thủ trẻ của Ten Hag và thực tế là ông là một trong những HLV cấp tiến nhất châu Âu, Sancho có cơ sở để hoàn thiện và hay hơn nữa mùa tới. Anh chắc chắn sẽ là nhân tố quan trọng trong tương lai dài hạn của CLB. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi vị HLV Hà Lan xây dựng đội bóng xoay quanh Sancho.
Về phần Rashford, bài toán rắc rối hơn nhiều: đưa ra quyết định bán 1 cầu thủ từng được coi là biểu tượng mới của “Quỷ đỏ” hay giúp anh tái tạo sự nghiệp. Xét cho cùng Rashford vẫn là một cầu thủ sở hữu tài năng đẳng cấp hàng đầu. Ở tuổi 24, Rashford đã là một cầu thủ giàu kinh nghiệm ở cả CLB và đội tuyển quốc gia. Anh đã 301 lần ra sân cho United và 46 lần khoác áo đội tuyển Anh, ghi được tổng cộng 105 bàn thắng.
Chỉ có điều, mùa giải này anh có phong độ thấp. Chấn thương vai đã làm Rashford bắt đầu mùa giải này khá trễ và sau đó lỡ nhịp với đồng đội. Việc Rangnick lên thay Ole Solskjaer chẳng mang điều gì tốt đẹp cho Rashford mà ngược lại thì đúng hơn. Dưới thời Rangnick, Rashford chỉ ghi 2 bàn, đều với tư cách là cầu thủ vào sân thay người.
Trận MU gặp Leicester hồi đầu tháng, dù cả Cristiano Ronaldo và Edinson Cavani đều vắng mặt nhưng Rangnick thà chọn Bruno Fernandes đá số 9 ảo hơn là trao cơ hội đá chính cho Rashford. Đó là sự đả kích cực lớn với Rashford, nhưng nó cũng là điều dễ hiểu trong 1 mùa bóng mà Rashford thực sự không còn là chính mình.
Với hợp đồng hiện tại kết thúc vào năm 2023 (cùng tùy chọn gia hạn thêm 1 mùa), MU có thể phải quyết định tương lai của số 10 ngay trong hè này. Điều Rashford cần lúc này nếu ở lại MU là một HLV mới với những ý tưởng mới, để giúp anh tìm lại phong độ bùng nổ như một thanh niên 18 tuổi không biết sợ hãi cách đây 6 năm. Liệu Ten Hag có phải là “người đó” của Rashford!
4. Ten Hag kiểm soát phòng thay đồ như thế nào?
Trước khi Erik ten Hag được công bố là HLV của United, đã có nhiều cuộc thảo luận về đội hình thành tích yếu nhưng rất mạnh về những cái tôi trong phòng thay đồ của “Quỷ đỏ”. Do vậy, đã xuất hiện những hoài nghi về việc liệu Ten Hang có phải là người phù hợp để đảm nhiệm công việc nhiều thứ ngoài lề như ở Old Trafford hay không.
Sự thiếu trách nhiệm trong và ngoài sân cỏ của một vài trụ cột đã khiến Jose Mourinho, Solskjaer và giờ là Rangnick thất vọng. Từ sau khi Sir Alex nghỉ hưu, các cầu thủ đã được trao nhiều quyền lực hơn HLV ở United. Điều đó cần phải thay đổi với Ten Hag.
Chuyên gia của Sky Sports, Roy Keane, cựu đội trưởng của United, vào năm 2019 cho biết “đây là những cầu thủ đã ném Mourinho vào gầm xe buýt, và họ sẽ làm điều tương tự với Ole”. Hai năm sau, tuyên ngôn của Keane trở thành hiện thực. Câu hỏi dành cho Ten Hag: làm thế nào để ông tránh được số phận nằm dưới gầm xe buýt như vậy?
Đã có cuộc nói chuyện về việc giới thiệu một trợ lý có ‘DNA’ của United chuyên giúp Ten Hag quản lý phòng thay đổ. Đó là Steve McClaren, cựu trợ lý của Sir Alex trong mùa giải giành cú ăn ba năm 1999. Ngoài ra, Robin van Persie cũng được nhắc đến.
Dùng trợ lý lo việc phòng thay đồ là một cách tiếp cận mà tất cả những người kế nhiệm Ferguson đã cố gắng nhưng không hiệu quả. David Moyes có Phil Neville, Louis van Gaal có Ryan Giggs, Jose Mourinho có Michael Carrick, Ole Gunnar Solskjaer có Mike Phelan, thậm chí Ralf Rangnick có GĐKT Darren Fletcher hỗ trợ.
Một quản gia như vậy sẽ giúp Ten Hag hiểu rõ hơn về bóng đá Anh và có khả năng cải thiện mối quan hệ với phòng thay đồ. Nhưng quan trọng hơn, Điều mà Ten Hag cần để kiểm soát phòng thay đồ là sự hậu thuẫn toàn diện của ban lãnh đạo và giới chủ – giống như Pep Guardiola có ở Manchester City và Jurgen Klopp có ở Liverpool. Vấn đề là liệu giới chủ MU có sẵn sàng trao hết quyền cho Ten Hag hay họ sợ không nắm được đội như thời Sir Alex. Thời điểm đó, các cầu thủ chỉ sợ Sir Alex chứ không sợ ban lãnh đạo.
Để xem ban lãnh đạo MU tin tưởng và trao quyền cho Ten Hag đến đâu thì chỉ cần xem họ ứng xử ra sao với kế hoạch chuyển nhượng mùa này. Hãy xem MU có dám bán những cầu thủ mà Ten Hag không cần và mua những cầu thủ mà vị HLV Hà Lan muốn hay không. Theo các anh em: Ten Hag, ngoài 4 bài toán lớn cần phải giải thật chuẩn kể trên, ông còn phải đối mặt với những gì trong mùa bóng đầu tiên ở Old Trafford? Hãy chia sẻ ý kiến và quan điểm với chúng tôi trong phần bình luận dưới video này nha! Xin cảm ơn và hẹn gặp lại mọi người ở các chương trình tiếp theo!