Nguồn: Michael Cox
Trong số 4 cái tên thuộc bản danh sách ứng viên rút gọn cho vị trí HLV trưởng MU mùa tới, gồm Erik Ten Hag, Mauricio Pochettino, Luis Enrique và Julen Lopetegui, nhà Glazer cuối cùng cũng đã đưa ra quyết định: chiến lược gia sinh năm 1970 người Hà Lan, Erik Ten Hag -aka- Lê Trung Thành “Mười Khó”.
Xét trên khía cạnh kinh nghiệm huấn luyện đỉnh cao, Ten Hag, mới chỉ dẫn dắt các CLB ở Hà Lan, trước Ajax là Go Ahead Eagles và Utrecht, rõ ràng là lựa chọn táo bạo nhất và cũng ẩn tảng rút ro lớn nhất.
Nhưng Ten Hag, với những gì ông đã tạo dựng tại Ajax hơn 5 năm qua, với triết lý bóng đá rõ ràng và xuyên suốt, đem đến một niềm hi vọng lớn lao cho các fan hâm mộ :Quỷ đỏ” về viễn cảnh “make United great again”.
Hoài nghi xen lẫn sự kỳ vọng, đó là thứ cảm xúc nhảy múa trong đầu đa số chúng ta khi phân tích, đánh giá và dự đoán những gì Ten Hag có thể làm được ở MU.
Nhân sự kiện, hàng loạt tier hàng đầu về nguồn tin MU và Ajax, khẳng định “Quỷ đỏ” và HLV người Hà Lan đã đạt được thỏa thuận chính thức cho một hợp đồng 4 năm, GKĐ chúng tôi muốn cùng các anh em tìm hiểu sâu nhất có thể chủ đề MU-Ten Hag, qua câu hỏi lớn: Những nguyên tắc cụ thể trong triết lý bóng đá của Ten Hag và ông sẽ sẽ thiết lập đế chế của mình tại Old Trafford bằng cách nào?
Đầu tiên, nhận sự kiện MU-Ten Hag chúng ta sẽ cùng nhau xem xét một quan niệm sai lầm tồn tại trong đời sống bóng đá đương đại.
Đó là quan niệm về việc, khi một CLB hàng đầu Premier League bổ nhiệm 1 HLV danh tiếng hoặc đang nổi, đa số đều mặc định: HLV đó sẽ sao chép mô hình thành công ở đội bóng cũ sang đội bóng mới.
Thực tế, công việc của một HLV ở cấp độ bóng đá cao nhất không đơn giản như vậy. Mục tiêu của mọi manager hay coach là tìm ra sự cân bằng phù hợp nhất, giữa triết lý bóng đá của anh ta với nhân lực hiện có và nhưng sự bổ sung tiềm năng của CLB mới. Triết lý tổng thể – thứ có thể coi là bản sắc của 1 HLV – là đặc biệt quan trọng, nhưng những điều chỉnh và cách tiếp cận phù hợp với nguồn lực CLB cũng quan trọng không kém.
Ví dụ như khi Pep Guardiola gia nhập Bayern Munich, đa số chờ đợi ông sẽ copy cách tiếp cận quen thuộc thời còn dẫn dắt Barcelona sang đội bóng xứ Bavaria. Nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Pep vẫn giữ vững những điểm căn bản nhất trong triết lý tổng thể, nhưng nhân lực tại Bayern buộc chiến lược gia người Tây Ban Nha phải đưa ra những tinh chỉnh phù hợp. Đó là những tinh chỉnh nào?
+ Thứ nhất, cho phép các cầu thủ tấn công biên đột phá cá nhân, rê dắt bóng qua người nhiều hơn.
+ Từ bỏ mô hình số 9 ảo ưa thích, để xây dựng một bệ phóng có thể tối ưu hóa một số 9 xịn là Robert Lewandowski.
Chúng ta cũng có thể bắt gặp những điều chỉnh như thế ở Jurgen Klopp, khi ông rời Dortmund gia nhập Liverpool. Tất cả là để tạo ra một hệ thống, vừa đảm bảo triết lý bóng đá mang bản sắc cá nhân, vừa khai thác hết tiềm năng của đội ngũ mình có trong tay.
+ Liverpool của Klopp pressing với cường độ mạnh hơn và ở các vị trí cao hơn so với Dortmund thời ông còn làm HLV.
+ Liverpool-Klopp không sử dụng những số 9 truyền thống thay vào đó tạo ra một bộ ba tấn công linh hoạt, hoán chuyển vị trí liên tục cùng một trung phong có kỹ năng và tư duy phòng ngự kiệt xuất là Roberto Firmino – người trước đó chủ yếu đá tiền vệ công ở Hoffenheim.
Chất lượng công việc của Ten Hag tại Ajax là vô cùng ấn tượng. Trước thời Te Hag, Ajax trải qua 2 mùa bóng liên tiếp không vô địch Hà Lan. Có Ten Hag, Ajax lên ngôi 2 lần và đang đứng trước cơ hội lớn để đăng quang lần thứ 3 mùa này.
Trước khi có Ten Hag, Ajax trải qua 12 năm liên tiếp kể từ 2006 không thể vượt qua vòng bảng CHampions League. Có Ten Hag, Ajax vào bán kết mùa 2018/19 – đó có thể là một mùa giải vừa thành công vừa nuối tiếc của “Mười Khó”, nhưng đừng quên trước khi bị Tottenham loại theo cách đầy cay đắng Ajax đã hạ Real Madrid, Juventus ở các vòng knock-out chưa kể 2 lượt cầm hòa Bayern ở vòng đấu bảng.
Mùa này, Ajax toàn thắng cả 6 trận vòng bảng Champions League, trước khi thua đau Benfica ở vòng 1/8. Đây là 1 kết quả đáng thất vọng với tập thể này, nhưng nó cũng chính là bằng chứng cho thấy Ten Hag đã xoay chuyển tình thế và nâng cao vị thế của Ajax đến như thế nào: từ chỗ là 1 CLB bất lực trong việc vượt qua vòng bảng trong hơn một thập kỷ, trở thành 1 tập thể mà việc dừng bước ở vòng 1/8 bị coi là dưới mức kỳ vọng.
Tất nhiên, Mười Khó dù tạo tiếng vang lớn trong 5 năm qua, dù đã được xếp vào hàng ngũ những HLV xuất sắc bậc nhất hiện nay, vẫn chưa thể ngồi cùng mâm với nhưng Pep, Klopp hay Thomas Tuchel. Và nếu như cả 3 HLV tài danh kể trên đều phải sửa mình một chút để phù hợp với đội bóng mới, môi trường mới thì chúng ta chắc chắn cũng sẽ phải kỳ vọng điều tương tự ở Ten Hag khi ông chính thức dẫn dắt MU sau mùa này.
Tất nhiên, những thứ kiểu như “sửa mình”, “tinh chỉnh”, “tìm kiếm sự cân bằng phù hợp” của Ten Hag- MU phải được xây dựng trên những nguyên tắc căn bản nhất trong triết lý bóng đá của HLV người Hà Lan. Vậy đâu là những nguyên tắc căn bản của Ten Hag – thứ có thể định hình phong cách MU trong tương lai gần? Chúng ta sẽ từng bước mổ xẻ điều đó qua những phân tích của chuyên gia Michael Cox, trong bài viết mới nhất của ông cho The Athletic nhé
(*) Thứ nhất: Các biến thể trong quá trình triển khai bóng từ phần sân nhà.
+ Ajax-Ten Hag đề cao việc kiến tạo lối chơi từ hậu tuyến, kiểm soát bóng chắc chắn và từ dó kéo đối thủ của họ chệch ra khỏi khối đối hình ban đầu, trước khi tạo ra những đòn sát thương,
+ Tổ hợp kiểm soát bóng, kéo bóng và tịnh tiến bóng của Ajax-Ten Hag luôn duy trì ổn định với một nhóm 3 người chơi gần nhau, vợi sự tham gia sâu sắc của 2 hậu vệ biên, cặp trung về và tiền vệ trung tâm.
Đây là biến thể build-up bóng nhóm 3 người thứ nhất: với 2 trung vệ và hậu vệ biên trái lùi xuống. (hình ten-hag-1-a)

Đây là biến thế bộ ba gồm hậu vệ trái, 1 trung vệ và 1 tiền vệ trung tâm. (hình ten-hag-1-b)

Đây là 1 biến thể khác với hậu vệ phải cùng cặp trung vệ. (hình ten-hag-1-c)

Và cuối cùng cặp trung vệ cùng tiền vệ trung tâm. (hình ten-hag-1-d)

Cần lưu ý, tất cả các biến thế trên được sử dụng linh hoạt chỉ trong 30 phút đầu tiên trận Ajax tiếp Benfica và nó đặc tả nguyên tắc căn bản đầu tiên trong khâu build-up của 1 đội bóng made by Mười Khó.
(*) Thứ hai: Vai trò của các trung vệ
Như đã nhắc tới ở kếu cấu bộ ba trong quá trình build-up bóng từ hậu tuyến, vai trò của các trung vệ trong chiến thuật của Ten Hag là đặc biệt quan trọng. Đó phải là các trung vệ hoàn toàn thoải mái khi có bóng trong chân, phân phối bóng tốt và không ngại ngần kéo bóng lên phía trước. Các trung vệ tốt nhất của MU hiện tại, Harry Maguire, Victor Lindelof và Raphael Varane hoàn toàn phù hợp với những yêu cầu này của Ten Hag.

Việc các trung vệ được đẩy lên rất cao, cho phép các hậu vệ biên của Ten Hag bó vào các khu vực hành lang trong, từ đó biến hàng tiền vệ 3 người của mô hình 4-3-3 thành tuyến giữa kim cương, đồng thời tạo ra thế overload về quân số ở từng khu vực cụ thể phía trước vòng 16m50 đối phương, như trong các hình ảnh sau đây. (hình ten-hag-2-a-b-c-d)
(*) Thứ ba: cấu trúc tuyến giữa đa dạng
Trên hành trình vào tới bán kết Champions League 2018/19, Ajax của Ten Hag thường chơi với 2 tiền vệ giữa lùi sâu và một tiền vệ nhô cao hơn, gần giống với 4-2-3-1.

Nhưng thực tế, Ajax của Ten Hag vẫn là 4-3-3 bỏi vai trò thực tế trên sân của một tiền vệ nhô cao về mặt lý thuyết cơ bản, là vô cùng linh hoạt. Cầu thủ tạm được coi là số 10 ấy có thể trở thành 1 số 8, thậm chí một số 6 trong bởi Ten Hag luôn khuyến khích các tiền vệ lệch cùng các winger tiến lên. Donny Van de Beek và cả Frenkie De Jong là những cầu thủ đặc biệt phù hợp với mô hình 4-3-3 linh hoạt kiểu này. Tương tự những biến thể bộ ba ở hàng thủ khi build-up bóng, kết cấu tuyến giữa linh hoạt với vai trò và vị trí liên tục được hoán đổi của Ajax-Ten Hag thực sự hiệu quả trong việc gây nhiễu đối phương và từ đó thoát pressing dễ dàng hơn.

Ajax mùa này thì rõ ràng hơn về cấu trúc tuyến giữa với Edson Alvarez trong vai trò số 6 đá ở đáy hàng tiền vệ cùng 2 số 8 box-to-box tích cực tiến lên và luân chuyển vị trí.
Các tiền vệ của Ajax luôn có xu hướng chiếm giữ các vị trí ở half-space và di chuyển theo kênh, cả ngang lẫn dọc, tích cực thực hiện phối hợp nhóm 1-2 để mở cửa cầu môn đối phương. Đây cũng là một phần cơ bản trong nguyên tắc tiếp cận khi đưa bóng tới các vị trí cao ở phần sân đối phương của Ten Hag.
Về cơ bản, bộ ba tiền vệ lý tưởng của ten Hag sẽ không phân tách nhiệm vụ rõ ràng, kiểu như 1 người chuyên về đánh chặn, 1 người box-to-box và 1 chuyên gia kiến thiết mà là một tổ hợp bộ ba gồm ít nhất 2 người có thể đảm nhiệm cùng lúc 3 vai trò đó.

Trừ Van de Beek, người đã quen với phương pháp của Ten Hag và Fred – người đang tiến bộ mạnh mẽ khi được đá đúng sở trường thời Rangnick, hầu như các tiền vệ còn lại của MU hiện tại đều không thực sự phù hợp để trở thành sự lựa chọn lý tưởng cho Ten Hag. Không hề ngẫu nhiên, khi mục tiêu chuyển nhượng ưu tiên số 1 của MU hè này là 2 (chứ không chỉ là 1) tiền vệ trung tâm.
(*) Thứ tư, nguyên tắc pressing, kiểm soát vị trí & kèm người
Ajax của ten Hag là một đội bóng cực kỳ chủ động khi ở trạng thái không bóng, tích cực pressing tầm cao bất cứ khi nào có thể, để giành lại quyền kiểm soát nhanh nhất từ đó triển khai phản công ngay bên phần sân đối phương. Nguyên tắc pressing của Ten Hag là rất rõ ràng: càng cao càng tốt và càng đông càng tốt.

Đi vào chi tiết thì chúng ta có thể hình dung cơ bản là như thế này: tập trung tăng cường quân số để quây ráp ở một khu vực vừa và hẹp, với khối pressing 4 người cực gắt, các cầu thủ còn lại sẽ kiểm soát những vị trí tối ưu còn lại ở xa hơn, để có thể sẵn sàng cắt những đường thoát bóng của đối thủ. Hình ảnh sau đây là 1 ví dụ (hình ten-hag-3-a).
Thực ra cách tiếp cận này không có gì mới, chúng ta có thể thấy điều đó thường xuyên mỗi tuần nếu xem các trận đấu của Man City hoặc Liverpool. MU thời Rangnick cũng đã học cách để làm quen với cách tiếp cận này, cũng có đường nét nhất định, nhưng thói quen từ thời Ole Solskjaer cùng chất lượng con người không phù hợp (bao gồm cả tư duy và thể chất) khiến pressing tầm cao và nguyên tắc 8s của chiến lược gia 63 tuổi người Đức triển khai không hiệu quả.
(*) Thứ năm: Hàng công linh hoạt
Nhìn vào hành trình hơn 5 năm của Ajax-Ten Hag, chúng ta có thể nhận thấy HLV 52 tuổi không thích bị bó hẹp các phương án tấn công của đội nhà trong việc lựa chọn cầu thủ chơi ở vị trí cao nhất. Đó có thể là một số 9 ảo như hành trình vào bán kết Champions League năm 2019 hay một trung phong đúng nghĩa như Haller mùa này.
Nhưng cũng chính vì điều này, chúng ta không thể không đặt ra câu hỏi: mũi nhọn tấn công của MU-Ten Hag liệu sẽ là ai, trong bối cảnh Cristiano Ronaldo đã bước sang tuổi 37, Edinson Cavani chắc chắn sẽ rời Old Trafford Hè này, Marcus Rashford với phong độ đi xuống không thể tin nổi, Mason Greenwood chưa hẹn ngày trở lại sau scandal hành hung bạn gái, Athony Elanga còn phài rèn nhiều và Anthony Martial tỏ ra không phù hợp với một đội bóng đề cao giá trị kiểm soát nhưng vẫn còn hợp đồng 2 năm. Có thể thấy, trừ Jadon Sancho – người chắc chắn sẽ chắc 1 suất tiền đạo cánh, trái hay phải thì chưa rõ, các cầu thủ tấn công còn lại của MU đều tồn tại những vấn đề.
Sancho và Rashfordo-nếu-đạt-đỉnh-cao phong độ như đã từng, theo chúng tôi sẽ là 2 cầu thủ tấn công đáng chờ đợi nhất bởi phương pháp của Ten Hag đặc biệt chú trọng vai trò của cac tiền đạo cánh, những người ngoài nhiệm vụ mở rộng biên độ tấn công của đội, còn được khuyến khích đảo vị trí cho nhau hoặc khi cần có thể cùng nhau tạo ra thế overload ở 1 bên cánh, đặc sản mà chúng ta từng chứng kiến ở Ajax khi Hakim Ziyech vẫn còn chơi cho đội bóng này.
Tới đây, có lẽ đa số các anh em đã có được một cái nhìn cơ bản nhất về cách chơi của một đội bóng made by Ten Hag. Đó chắc chắn cũng là những thứ mà tuyệt đại đa số fan MU kỳ vọng ten Hag có thể mang tới cho đội bóng trong tim họ. Nhưng cuối cùng, chúng ta vẫn phải thống nhất với nhau 1 sự thật rõ ràng rằng: MU cho tới trước 4 tháng Rangnick nắm đội, là một tập thể lạc lối giữa các triết lý bóng đá, mờ nhạt về mặt phong cách.
Thách thức cho Ten Hag tại Old Trafford là vô cùng lớn và để “Mười Khó” có thể nắn MU đi đúng hướng, với triết lý, cách tiếp cận và phong cách bóng đá rõ ràng, đòi hỏi rất nhiều sự thay đổi về nhân sự và tất nhiên, cả thời gian nữa.
Là 1 fan MU, bạn có sẵn sàng kiên nhẫn cùng Ten Hag hay lại trực chờ ném đá, chê bai sau một vài trận đấu không như ý?