Mohamed Salah đang trên đường đi vào lịch sử Premier League với rất nhiều kỷ lục, ví dụ như cuối tuần này anh có thể sẽ có bàn thắng thứ 100 tại Premier League. Nhưng trước khi tiền đạo người Ai Cập trở thành thành viên thứ 30 của CLB danh giá này, chúng ta sẽ cùng nhìn vào một kỹ năng khá đặc biệt của anh – đá phạt đền.
Nhắc tới cụm từ này, người hâm mộ Premier League có lẽ sẽ nghĩ nhiều hơn tới Bruno Fernandes của Manchester United, nhưng ít người để ý là từ khi trở lại Premier League vào năm 2017, Mohamed Salah đã thực hiện 15 quả 11m và chỉ hỏng duy nhất 1 lần – đó là quả penalty đầu tiên của anh trong trận đấu với Huddersfield Town tại Anfield.
Tình huống đó anh bị thủ thành Jonas Lossl cản phá trong hiệp 1 – trong trận đấu mà Liverpool thắng 3-0. Kể từ đó, anh luôn thành công khi đứng trên chấm phạt đền dù ở bất kỳ giải đấu nào. Tính riêng tại Premier League, Salah đã có 14 lần thực hiện phạt đền thành công liên tiếp, còn con số này trên mọi đấu trường là 17. Đó là thành tích không phải ai cũng đạt được.

Với bàn thắng vào lưới đội bóng cũ Chelsea cuối tuần trước, Salah đã sánh ngang thành tích thực hiện thành công 14 quả phạt đền liên tiếp tại Premier League của alan Shearer và Leighton Baines, và lúc này anh đang hướng tới kỷ lục của huyền thoại Matt Le Tissier của Southampton – 23 lần liên tiếp ghi bàn trên chấm 11m.
Đó không phải là nhiệm vụ dễ dàng bởi Salah còn phải sút thành công thêm 9 lần liên tiếp nữa, song điều này cũng không bất khả thi nếu anh luôn giữ được sự bình thản trong bất kỳ hoàn cảnh nào – giống như cách anh đánh bại Edouard Mendy của Chelsea vậy. Sự lạnh lùng – đó chính là sức mạnh của Salah, giúp anh đứng vững trước mọi áp lực và tập trung hoàn toàn cho nhiệm vụ trước mắt, không lơi lỏng dù chỉ một tích tắc kể từ khi đặt bóng vào chấm phạt đền.


Vì sao Salah lại có thể đá phạt đền tốt đến vậy? Hôm nay Góc khán đài sẽ phân tích những khía cạnh kỹ thuật của Salah khi đứng trên chấm 11m.
Thế đứng
Một trong những yếu tố đầu tiên để Salah thực hiện thành công những cú đá phạt đền là vị trí đứng chuẩn bị và tư thế của anh. Salah thường chạy lấy đà từ bên phải rồi vòng vào trung tâm để thực hiện cú đá. Khi đợi tiếng còi của trọng tài, anh sẽ đặt tay lên hông, giống như tư thế trong trận đấu với Manchester City hồi tháng 2.

Nhiều người sẽ nghĩ rằng ở khâu này thì đứng thế nào chẳng được, nhưng không phải vậy. Tư thế đứng của Salah giúp cánh tay dang ra 2 bên và lồng ngực mở rộng.
Trong các khung hình cận mặt, ta sẽ thấy Salah hít thở rất sâu trước khi tiếp cận trái bóng. Đây là phương pháp làm giảm áp lực lên tâm trí, không chỉ Salah mà rất nhiều cầu thủ cũng sử dụng và nó cực kỳ có ích khi họ đứng trước áp lực phải thành công ở khoảng cách 11m.
Rồi sau đó Salah nhanh chóng rời khỏi tư thế đứng, và tay của anh lúc này thả lỏng tự nhiên.

Lấy đà
Đây chính là điều làm nên thương hiệu của Salah khi thực hiện những cú đá phạt đền cho Liverpool. Anh sẽ bước 3 hoặc 4 bước sang bên phải, đến khi chạm vào rìa vòng cấm địa thì sẽ bước thêm từ 5 tới 6 bước thẳng hướng tới trái bóng.
Trước bước cuối cùng – tức là khoảnh khắc chân phải trụ xuống gần trái bóng, Salah đã vung chân trái lên và sẵn sàng tung cú sút.
Lực sút
Salah rất hiếm khi đệm nhẹ để bóng lăn từ từ vào khung thành, và anh cũng chẳng phải mẫu cầu thủ thích đá panenka. Thậm chí anh còn không tìm cách gây áp lực hay sử dụng các chiêu trò nhằm khiến tinh thần của thủ môn lung lay.
Thông thường, các cầu thủ đá luân lưu có 2 dạng: Một là xác định trước hướng và lực sút ngay từ đầu và cứ thế thực hiện chứ không quan tâm tới chuyển động của thủ môn, hai là vừa chạy đà vừa quan sát thủ môn và rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng. Salah và Harry Kane của Tottenham là dạng thứ nhất, khi mọi quyết định đá phạt đền của 2 cầu thủ này đều được đưa ra một cách nhất quán và độc lập, còn Eden Hazard và Bruno Fernandes là dạng thứ hai.

Với riêng Salah, anh tỏ ra không chút sợ hãi khi tung cú sút với nhiều lực và cũng không e ngại đưa bóng vào giữa khung thành, điều đó cho thấy sự tự tin cực kỳ lớn. Tại trận đấu với West Ham ở Anfield hồi tháng 10 năm ngoái, Salah hạ gục Lukasz Fabianski với một cú sút sệt và căng. Thực tế 7/14 cú sút thành bàn của Salah là những tình huống bóng sệt.
Trong cú sút phạt đền đầu tiên của mùa giải trước vào lưới Leeds United, nhiều người sẽ chọn cách đá an toàn vào giữa khung thành khi đứng trước tình huống quyết định chiến thắng cho đội bóng của mình, nhưng chính sự bình tĩnh đã giúp anh tung ra cú sút về bên phải của thủ môn Illan Meslier.
Điểm sút bóng
Salah rất ít khi đưa bóng vào góc, bởi vậy các cú sút của anh cũng không bị bay ra ngoài.

Nhìn vào bản đồ này, ta sẽ thấy Mohamed Salah ưa thích sút về bên trái – tức bên phải của thủ môn, 6/14 bàn thắng trên chấm phạt đền của anh tới từ hướng sút này.
Một lần nữa ta phải nhắc lại rằng Salah không hề sút vào góc khung thành, và điều này một phần tới từ việc anh luôn dùng nhiều lực và ưu tiên điều đó hơn là điểm đến của trái bóng. Với những cú sút đưa bóng đi nhanh tới vậy thì thủ môn nào cũng rất khó ngăn cản, ngay cả khi bóng trong tầm với. Nếu nhìn lại tình huống anh thất bại trước Jonas Lossl của Huddersfield Town, ta sẽ thấy đó là một cú sút về bên phải, có lẽ đó là một phần lý do khiến những tình huống sau này anh ưu tiên phía chính giữa và bên phải hơn.
Khi lại những tình huống phạt đền thành công liên tiếp của Salah, có lẽ chúng ta sẽ không ngạc nhiên nếu biết anh chỉ còn kém thành tích thực hiện 11m thành công 18 lần liên tiếp trên mọi đấu trường cho Liverpool của Jan Molby, chỉ có điều huyền thoại người Đan Mạch đã làm được điều này 2 lần trong 12 năm cống hiến cho The Kop.
******** Sau tất cả, có vẻ như các thủ môn sẽ còn phải nghiên cứu rất nhiều về những cú sút phạt đền của Mohamed Salah, nhưng dĩ nhiên người hâm mộ Liverpool sẽ mong rằng họ sẽ không thể đi tới một kết luận cụ thể nào cả. Một quả phạt đền thành công nữa, Salah sẽ sánh vai với Jan Molby, và 9 lần tại Premier League để đuổi kịp Matt Le Tissier. Liệu ai dám nói rằng điều đó là bất khả thi?