Ở khía cạnh sân cỏ, Man City đã là số 1 tại Manchester từ lâu rồi. Đó là thực tế không ai không biết.
Kể từ lần cuối MU vô địch Premier League vào mùa giải 2012/13, Man City đã bốn lần giơ cao chiếc cúp bạc danh giá. Họ có cơ hội rất lớn để sở hữu chiếc cúp thứ năm vào cuối mùa giải năm nay. Lúc này Man City đã bỏ xa MU tới 22 điểm trên bảng xếp hạng, dù mùa giải mới chỉ trôi qua được một nửa.
Điều đáng nói là ở thời điểm hiện tại, Man City cũng đang đuổi kịp và vượt MU trên mặt trận thương mại. Công bố tài chính của Man City hôm 12/01 cho thấy đội chủ sân Etihad đã trải qua một năm vô cùng thành công.


Cụ thể, tổng doanh thu của Man City trong mùa giải 2020/21 là 569,8 triệu bảng, dù họ để tuột chức vô địch Champions League. Trong khi đó, MU chỉ đạt tổng doanh thu là 494 triệu bảng.
Vậy Man City đã làm cách nào để vượt mặt MU? Chương trình GÓC KHÁN ĐÀI hôm nay sẽ phân tích tình hình tài chính của hai đội để tìm câu trả lời.
Tăng trưởng tài chính của Man City trong 10 năm qua là vô cùng hiếm thấy trong thế giới bóng đá. Hồi mùa giải 2006-07, Man City thậm chí còn chưa lọt vào top 20 đội bóng có sức mạnh tài chính lớn nhất, theo xếp hạng của Deloitte’s Football Money League. Họ đứng sau cả những đội bóng như Celtic và Marseille.
Chỉ trong hơn 10 năm từ khi Sheikh Mansour bin Zayed Al Nahyan và các thế lực ở Abu Dhabi trở thành ông chủ, tổng doanh thu của Man City đã tăng gấp 6 lần, từ mức 87 triệu bảng ở mùa giải 2008-09 lên gần 570 triệu bảng trong mùa trước.
Sự tăng trưởng về tài chính của Man City song hành với những thành công của họ trên sân cỏ, đảm bảo rằng họ là thế lực của châu Âu trong và ngoài sân cỏ. Lâu nay MU là đội bóng duy nhất Man City chưa thể vượt qua về mặt tài chính, nhưng báo cáo gần đây nhất cho thấy đội chủ sân Etihad đã chiếm luôn ngôi vua kiếm tiền ở nước Anh của Quỷ đỏ.


Một trong những yếu tố quan trọng là thành công tại Champions League. Công ty kiểm toán KPMG cho biết với việc vào tới trận chung kết đấu trường danh giá nhất châu Âu ở mùa trước, Man City đã hưởng 108 triệu bảng tiền thưởng từ UEFA. Bên cạnh đó, giá bản quyền phát sóng tăng cũng giúp Man City có doanh thu cao hơn.
Bên cạnh đó, những thống kê của tài khóa 2020-21 bao gồm doanh thu từ vòng knock-out Champions League 2019-20, dù Man City khi đó chỉ vào tới tứ kết. Lý do là bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến Champions League mùa giải đó thi đấu muộn hơn, sau thời điểm kết thúc tài khóa 2019-20.
Ngoài thành công tại Champions League, Man City cũng vô địch Premier League và Carabao Cup mùa giải trước, đồng thời vào tới bán kết Cúp FA. Những thanh tích đó giúp doanh thu từ phát sóng trực tiếp của Man City đạt mức gần 300 triệu bảng trong vòng 12 tháng, tăng cao đáng kể so với mức 190 triệu bảng ở mùa 2019/20.
Chưa dừng lại ở đó, doanh thu thương mại của Man City cũng đạt kỷ lục mới là 271 triệu bảng. Đội bóng hiện có tổng cộng 31 đối tác toàn cầu, trong đó có nhiều đối tác có liên hệ mật thiết với giới chủ ở Abu Dhabi. Để so sánh, mùa trước MU chỉ đạt doanh thu thương mại là 232 triệu bảng.
Một điều đáng lưu ý ở đây là dù doanh thu lớn như vậy nhưng ở tài khóa trước Man City chỉ đạt mức lãi 2,4 triệu bảng, trước đó một năm họ lỗ tới 126 triệu bảng do ảnh hưởng của Covid-19.
Công ty KPMG cho biết hiện tại có thể coi Man City là đội bóng có doanh thu cao nhất ở châu Âu và trên thế giới. Doanh thu của đội chủ sân Etihad đã vượt Barcelona, Real Madrid và Bayern Munich, ba đội bóng vốn được coi là “Siêu CLB” của châu Âu.
Tất nhiên, tới lúc này vẫn còn một số đội chưa công bố báo cáo tài chính, chẳng hạn như Liverpool và PSG, tuy vậy giới chuyên gia tin rằng cả hai khó lòng vượt qua Man City.
Một lý do khác khiến MU bị Man City vượt mặt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Khi sân vận động không thể đón khán giả, MU sẽ chịu thiệt hại tài chính lớn hơn nhiều so với Man City. Ở một mùa giải bình thường, MU có thể đạt doanh thu ngày thi đấu gấp đôi Man City nhờ lượng khán giả đông hơn và SVĐ Old Trafford nhiều hơn 20.000 chỗ ngồi so với sân Etihad.
Chẳng hạn số liệu mùa 2018/19 cho thấy MU kiếm được 111 triệu bảng doanh thu ngày thi đấu, trong khi Man City chỉ đạt 55 triệu bảng.
Như vậy, nhờ ảnh hưởng của đại dịch, Man City đã có thể đuổi kịp MU. Nhưng làm thế nào mà đội chủ sân Etihad có thể đạt doanh thu thương mại lớn hơn “hàng xóm” danh tiếng của họ?
Vượt mặt MU trên đấu trường thương mại có thể nói là thử thách lớn hơn nhiều so với đánh bại họ trên sân cỏ. Trong hơn 20 năm trở lại đây, MU luôn là đội bóng thu hút tài trợ số 1 ở châu Âu, với lượng CĐV rất lớn trên toàn thế giới và một thương hiệu vô cùng mạnh.
Trong khi đó, Man City không có bề dày lịch sử, hầu hết các thành tích của họ chỉ đạt được trong khoảng 10 năm trở lại đây, và lượng CĐV thì không thể so sánh với MU. Nên nhớ rằng khi Sheikh Mansour tiếp quản Man City, doanh thu thương mại của đội bóng chỉ đạt 23 triệu bảng trong một năm, bằng khoảng ⅓ MU.
Thế nhưng ở tài khóa vừa qua, doanh thu thương mại của MU giảm từ 279 triệu bảng xuống 232 triệu bảng, trong khi ở Man City con số này tăng từ 246 triệu lên 271 triệu.
Lý giải điều này khá dễ dàng. Nhờ thế lực của giới chủ Abu Dhabi, Man City có nhiều đối tác thương mại lớn như Eithad Airways, Visit Abu Dhabi hay Expo 2020 Dubai. Masdar, một đối tác thương mại gần đây của Man City là công ty năng lượng tái tạo của Abu Dhabi. Trong khi đó Etisalat là công ty viễn thông có trụ sở ở UAE.
Những mối làm ăn với các công ty liên quan tới UAE rõ ràng đã giúp Man City hưởng lợi, nhưng ngoài ra thành tích trên sân cỏ cũng giúp họ có được hợp đồng hậu hĩnh với Nissan và Nexen Tyres. Các tập đoàn lớn thường tài trợ nhiều tiền hơn khi đối tác CLB của họ thành công trên sân cỏ, do đó việc Man City vào tới chung kết Champions League và giành cú đúp quốc nội cũng cải thiện đáng kể doanh thu thương mại.
Trong khi đó, doanh thu thương mại của MU đã giảm hai năm liên tiếp. Lý do có thể là bởi họ có khá nhiều công ty blue-chip là đối tác tài trợ, và những công ty này bị ảnh hưởng không nhỏ bởi Covid-19.
Bên cạnh đó, mô hình hoạt động. Mô hình “thả nổi” của họ khác xa mô hình của Man City và dễ bị ảnh hưởng bởi tác động của Covid-19 hơn. Trong bối cảnh nhiều công ty, tập đoàn làm ăn sa sút, ví dụ rõ ràng nhất là MU đã phải đồng ý điều chỉnh hợp đồng với General Motors hồi tháng 08/2020.
Liệu MU có sớm lấy lại vị trí nhà vô địch doanh thu từ tay gã hàng xóm ngay trong mùa giải này được hay không? Phần lớn câu trả lời có thể nằm ở thành tích thi đấu của hai đội từ nay đến cuối mùa.
Man City hiện đang là ứng viên số 1 cho chức vô địch Premier League, nhưng tại Champions League cả hai đội đều đã vượt qua vòng bảng. MU đã có thành tích tốt hơn mùa trước, đồng nghĩa với việc họ sẽ đạt đoạt doanh thu cao hơn.
Trong khi đó, mục tiêu của Man City là giành chức vô địch Champions League đầu tiên trong lịch sử, dù đó là một thử thách không nhỏ. Đại diện của KPMG cho rằng Man City ít nhất sẽ phải lặp lại thành tích vào tới chung kết, hay thậm chí là vô địch Champions League thì mới có cơ hội cạnh tranh với MU.
Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, lợi thế vô đối của MU chính là doanh thu trận đấu cao hơn, bởi các CĐV đã trở lại sân vận động. Trong điều kiện bình thường, với mỗi trận đấu bán hết vé, MU có thể thu về khoảng 3 triệu bảng. Nếu duy trì được doanh thu trận đấu gấp đôi Man City như ở thời điểm trước đại dịch hoặc hiện tại, MU sẽ không khó đòi lại vị trí số 1 trên đấu trường tài chính.
Chưa dừng lại ở đó, MU sẽ sớm lấy lại sức thu hút các nhà tài trợ. Họ có hợp đồng tài trợ áo đấu mới với TeamViewer, được cho là lớn nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, Cristiano Ronaldo trở lại sân Old Trafford sau 12 năm đã và đang mang lại nguồn thu ổn định cho “Quỷ đỏ”.
Covid-19 đã góp phần giúp Man City vượt mặt MU ở khía cạnh kiếm tiền trong năm tài khóa bóng đá gần nhất. Nhưng để trở thành kẻ kiếm tiền số 1 thành Manchester, “The Citizens” vẫn còn 1 chặng đường dài phía trước.