Nguồn: The Athletic
Kể từ sau khi chính thức nói lời chia tay với Ole Gunnar Solskjaer, rất nhiều cái tên đã được nhắc tới với tư cách ứng cử viên cho vị trí HLV tạm quyền của Manchester United cho tới hết mùa giải này. Michael Carrick và Kieran McKenna còn quá non kinh nghiệm và mới chỉ đảm nhận công tác trợ lý, thế nên họ không phải là những cái tên đảm bảo thành tích cho Quỷ đỏ ít nhất là trong ngắn hạn.
Manchester United hiểu rằng họ cần một người giàu kinh nghiệm cả trong huấn luyện lẫn vạch ra đường hướng phát triển của đội bóng, và đó là lý do Giám đốc bóng đá của họ – John Murtough điền tên Ralf Rangnick vào danh sách ứng cử viên tiềm năng.
Và trong video này, Góc khán đài sẽ tường thuật lại câu chuyện làm thế nào mà Manchester United có thể chiêu mộ được Rangnick – cái tên gắn liền với sự thành công của Red Bull tại 2 đội bóng Leipzig và Salzburg, và thuyết phục ông rời khỏi nước Nga chỉ sau vài tháng làm việc. Nhưng trước khi đi vào phần chính, các anh em đừng quên subscribe Góc khán đài để đón xem những sản phẩm mới nhất của kênh nhé.
Chúng ta quay trở lại câu chuyện giữa John Murtough và Ralf Rangnick, trong các video trước, Góc khán đài đã nhắc tới chuyện thực ra Manchester United đã nhắm Rangnick từ năm 2019, song họ đã chuyển hướng và đặt niềm tin vào Ole Gunnar Solskjaer – một phần bởi HLV người Đức đang trên đà thành công cùng CLB RB Leipzig. Khi đó, Murtough chính là người đã tới tận Đức để thăm dò phản ứng của Rangnick, và lần này chính ông cũng là người nhấc điện thoại để ngỏ lời với HLV 63 tuổi.
Theo nguồn tin từ nội bộ Manchester United, Rangnick chính là người đầu tiên mà Murtough liên hệ khi United sa thải Solskjaer. Trước đó ông đã điều tra về tình hình công việc của Rangnick với tư cách Giám đốc thể thao và phát triển cho CLB Lokomotiv Moscow – khi biết rằng giới chủ của Manchester United bắt đầu sốt ruột vì thất bại trên sân nhà trước láng giềng Manchester City.
Kết quả điều tra rất khả quan, đội bóng nước Nga không hoàn toàn đồng ý với phương pháp làm việc và đường hướng phát triển mà Rangnick đặt ra, và có thông tin rằng ông có thể rời đội dù mới gia nhập từ tháng 7 năm nay. Trong khi đó vị thế của Solskjaer ngày càng lung lay.
Tuy nhiên Manchester United chỉ chính thức liên hệ với Rangnick sau trận thua thảm trước Watford. Murtough là người mở màn cuộc đàm phán, sau đó là Phó chủ tịch Ed Woodward rồi Giám đốc điều hành Richard Arnold cũng tham gia thuyết phục để chứng tỏ thành ý. Sự nhiệt tinh của đội ngũ lãnh đạo Manchester United đã khiến Rangnick xiêu lòng, và ông đã tới Anh để trò chuyện trực tiếp về những dự tính và kế hoạch tái thiết đội bóng.

Tại trụ sở của Manchester United đặt tại Mayfair, London – cách điện Buckingham không xa, Rangnick bước ra khỏi thang máy và chậm rãi vừa đi vừa ngắm nhìn hành lang được lát gỗ giống như Old Trafford, cùng với đó là những ma-nơ-canh mặc đồng phục của Manchester United và tiêu bản của chiếc cúp C1 vĩ đại năm 1999 – khi Manchester United đánh bại đại diện xuất sắc nhất của nước Đức là Bayern Munich trong một trận cầu vĩ đại. Ở cuối hành lang là phòng họp cấp cao với những chiếc kệ chứa các vật dụng có giá trị lịch sử với đội bóng. Những tấm hình chụp trận derby thành Manchester nhân dịp kỷ niệm 50 năm thảm họa Munich, rồi các bản viết tay, huy chương và danh hiệu đủ loại. Chính giữa căn phòng là một cái bàn gỗ sồi, tại đó Murtough, Woodward, Arnold cùng Matt Judge – trưởng ban đàm phán của Manchester United đã đợi sẵn.
Theo lịch công tác ban đầu, Murtough sẽ tới dự trận đấu của Manchester United với Villarreal trong khuôn khổ UEFA Champions League, song ông quyết định hủy lịch vì hiểu rằng mình không thể vắng mặt trong buổi đàm phán này. Thay vào đó, ông nhờ Collette Roche – trưởng phòng phát triển của CLB – và Cliff Baty – trưởng phòng tài chính – tới Tây Ban Nha dự trận đấu với tư cách đại diện Ban lãnh đạo CLB. Lẽ ra Giám đốc kỹ thuật Darren Fletcher cũng có mặt trong bàn đàm phán này, nhưng cựu tiền vệ người Scotland đã tham gia hỗ trợ công tác tập luyện chuẩn bị cho trận đấu nên ông quyết định đi tới SVĐ Ceramica và trực tiếp chứng kiến chiến thắng 2-0 của Manchester United – kết quả đảm bảo tấm vé đi tiếp cho họ. Khi buổi đàm phán bắt đầu, Fletcher chưa kịp quay về nên ông tham gia qua internet và chia sẻ với Rangnick về những căn cốt trong định hướng phát triển của CLB.
Thực ra Murtough và Fletcher đã phỏng vấn qua video những ứng cử viên khác, gồm cả Ernesto Valverde và Rudi Garcia, nhưng ngay từ đầu mục tiêu chính của họ đã là Rangnick nên họ mời ông tới đàm phán trực tiếp với Ban lãnh đạo. Sau phần chào hỏi và giới thiệu những thông tin cơ bản để Rangnick nắm rõ tình hình, Arnold là người trực tiếp đặt câu hỏi cho chiến lược gia người Đức, sau đó các bên liên quan như người đại diện, bộ phận pháp lý và tài chính mới được phép tham gia.

Việc đàm phán mức lương với một HLV tạm quyền luôn là phần khó nhất, nhưng mọi chuyện diễn ra rất suôn sẻ với Rangnick. Hai bên cơ bản thống nhất được các điều khoản trong Thứ Tư, rồi tới trước giờ trưa thứu Năm thì Rangnick đồng ý với hợp đồng 6 tháng kèm 2 năm làm cố vấn phát triển bóng đá. Rangnick nói rằng mình quyết tâm làm việc thật tốt tại United và đã sẵn sàng rời khỏi vị trí đang đảm nhiệm tại Lokomotiv, nhưng người trong cuộc phần nào cũng đoán được một phần lý do giúp buổi đàm phán thuận lợi tới vậy là vì bản thân ông cũng muốn tới Anh làm việc từ lâu, nên khi có cơ hội thì ông sẵn sàng giơ tay đón nhận.
Ngoài ra, Rangnick cũng tin rằng mọi chuyện sẽ rất khác nếu Arnold được đẩy lên thay thế cho Ed Woodward nắm quyền điều hành Manchestẻ United. Arnold là một chuyên gia ở lĩnh vực tài chính, và nhiều tháng qua ông cũng khẳng định rằng mình sẽ không tham gia vào các vấn đề chuyên môn của CLB – đó là bài học mà ông rút ra từ chính Woodward.
Phía Lokomotiv Moscow cũng không gây khó dễ gì cho Rangnick. Họ hiểu và thông cảm cho quyết định nhận lời Manchester United của HLV người Đức và tin rằng đội ngũ huấn luyện sẽ đảm bảo kế hoạch phát triển đội bóng của ông đi đúng hướng. Bên cạnh đó, Rangnick cũng có mối quan hệ thân thiết với Chủ tịch của Lokomotiv là Alexander Plutnik, thế nên mấy chuyện giấy tờ thanh lý và đền bù hợp đồng diễn ra suôn sẻ và chóng vánh.
Tuy nhiên mặt trận hành chính ở nước Anh thì không đơn giản như vậy. Phía Manchester United tích cực đẩy nhanh trình tự pháp lý, nhưng Rangnick vẫn phải đợi được cấp giấy phép lao động, chính vì thế ông không thể trực tiếp dẫn dắt đội bóng mới trong trận đấu với Chelsea cuối tuần này, qua đó lỡ cơ hội chạm trán người đồng hương Thomas Tuchel.

Một vấn đề khác mà Manchester United phải cân nhắc chính là việc Rangnick làm HLV tạm quyền đồng nghĩa với việc gắn bó với đội ngũ huấn luyện hiện có. Ban đầu nhiều người lo ngại rằng phương pháp làm việc của Manchester United có thể xung khắc với Rangnick, nhưng việc giữ Michael Carrick, Kieran McKenna và Mike Phelan sẽ giúp đội bóng ổn định và tiếp tục đi theo phương hướng đã vạch ra từ đầu. Rõ ràng Rangnick là mẫu HLV khác hẳn Solkjaer – ông là một chuyên gia thực thụ, chú trọng vào vấn đề kỹ – chiến thuật, trong khi cựu tiền đạo người Na Uy thiên về việc nâng cao tinh thần và quản lý phòng thay đồ hơn. Trong thời gian tới, Rangnick chắc chắn sẽ gặp mặt mọi thành viên hiện có trong ban huấn luyện của Manchester United, và ông cũng được phép bổ sung nhân sự nếu cần.
Điều ta chắc chắn nhất lúc này là Rangnick muốn có thêm một chuyên viên phân tích video.
Xét về dài hạn, Mauricio Pochettino vẫn là ứng cử viên sáng giá, và chiến lược gia người Argentina cũng sẵn sàng gia nhập Manchester United. Trong khi đó phía PSG cũng không quá mặn mà trong việc giữ chân Pochettino bởi họ đang nhắm tới Zinedine Zidane và sẵn sàng để ông ra đi nếu Manchester United chịu chi 15 triệu Bảng tiền phí chuyển nhượng. Tuy nhiên phía Unted lúc này không muốn đầu tư mạo hiểm.
Nhiều nguồn tin nội bộ cũng cho rằng khả năng Pochettino lập tức rời khỏi nước PHáp để dẫn dắt United là rất thấp. Mọi thông tin liên quan tới độ bóng này luôn gây ra sự ồn ào quá mức và có thể dẫn tới những phiền toái không đáng có, và chắc chắn phía PSG cũng cảm thấy như vậy. Bên cạnh đó, PSG mới để thua Manchester City 1-2 tại Champions League, thế nên việc nhận lời một đội bóng khác lúc này chẳng khác cúi mặt tự rút lui. Chắc chắn ưu tiên của Pochettino lúc này là chứng tỏ rằng mình xứng đáng dẫn dắt một đội bóng như PSG và sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách ở bất cứ đâu.
Bởi vậy, Pochettino vẫn là ưu tiên của Manchester United vào mùa hè tới. Và nếu PSG không đạt được mục tiêu ban đầu tại Champions League thì khả năng PSG sa thải ông sẽ cao hơn, đồng nghĩa với việc tốn ít tiền hơn.
Còn trước mắt, United chỉ muốn tìm một HLV tạm quyền và Rangnick là người phù hợp nhất. Trước mắt, Carrick và McKennay vẫn hỗ trợ Rangnick về mặt chuyên môn, Murtough và Fletcher là về mặt quản trị. Lúc này, quyền điều hành chính đang nằm trong tay Murtough, nhưng ông là sẵn sàng chia sẻ với Rangnick – đặc biệt là trong các vấn đề chuyên môn và phát triển cầu thủ trẻ. Rõ ràng lúc này Manchester United đang thiếu một giám đốc có chuyên môn để hỗ trợ trong các quyết định chiêu mộ cầu thủ cũng như định hướng cho cầu thủ trẻ, và đó sẽ là công việc của Rangnick trong 2 năm làm cố vấn.
Ta phải nhắc lại rằng hính Ralf Rangnick đã xây dựng RB Leipzig từ khi đội bóng này còn đang chơi ở giải hạng 4 thành một cái tên quen mặt ở Campions League. Ông là một người mát tay và rất tận tâm trong việc đào tạo cầu thủ trẻ – đặc biệt là những người trưởng thành từ lò đào tạo của chính đội bóng mà mình đang dẫn dắt, và điều này hoàn toàn phù hợp với truyền thống của Manchester United. Chưa kể ông cũng có kiến thức rất rộng về bóng đá Anh nhờ thời gian làm việc cùng Paul Mitchell – Người đứng đầu bộ phận tuyển trạch của RB Leipzig. Bộ đôi này đã mang về Oliver Burke và Ademola Lookman, và thậm chí là suýt có được Callum Wilson từ Coventry City và Joe Gomez từ Charlton Athletic, trước khi Newcastle united và Liverpool nhảy vào.
Rõ ràng, Ralf Rangnick là một sự bổ sung cần thiết trên rất nhiều phương diện cho Manchester United, và hành trình 2 năm rưỡi sắp tới của ông tại Old Trafford chắc chắn sẽ rất thú vị.