Derby Manchester là một trong những cuộc đối đầu kinh điển xuyên suốt chiều dài lịch sử bóng đá Anh. Tiền thân của Manchester United và Manchester City gặp nhau lần đầu vào năm 1881, cách đây đã 140 năm.
Trên mọi đấu trường trong suốt chiều dài lịch sử đó, hau đội đã chạm trán tổng cộng 185 lần, trong đó United thắng 77, City thắng 55, 53 trận còn lại có kết quả hòa. Hai đại gia thành Manchester cũng có tổng cộng 94 danh hiệu
Dù là kình địch không đội trời chung của nhau, đã có khá nhiều cầu thủ khoác áo cả hai đội trong sự nghiệp, không ít người thậm chí là những ngôi sao lớn.
Nhân dịp Jadon Sancho trở lại thành Manchester khoác áo United sau khi từng là cầu thủ trẻ thuộc biên chế City, còn Cristiano Ronaldo cũng có thể sẽ đầu quân cho City sau khi trở thành siêu sao thế giới ở United, GÓC KHÁN ĐÀI hôm nay sẽ điểm lại những cầu thủ tiêu biểu từng thi đấu cho cả hai đội.
Denis Law
Cái tên đầu tiên chúng tôi muốn nhắc đến là huyền thoại Denis Law. Xuất thân từ lò đào tạo trẻ của CLB Huddersfield Town, Law đầu quân cho Manchester City vào năm 1960. HLV Manchester United khi đó là Sir Matt Busby đã tìm cách đưa anh về sân Old Trafford, tuy vậy với việc Man City bỏ ra mức giá kỷ lục khi đó là 55.000 bảng Anh, chân sút Scotland đã quyết định về với nửa xanh thành Manchester.
Ở City, Law đã có một mùa giải 1960-61 xuất sắc với 21 bàn trong 44 trận ở giải First Division lúc đó, tương đương với Premier League ngày nay, nhưng như vậy là không đủ để đội bóng này cạnh tranh bất kỳ danh hiệu nào. Man City chỉ đứng thứ 13 trên bảng xếp hạng, bị loại ở tất cả các giải đấu cúp khiến Law không vui và bày tỏ ý định ra đi. Ông được bán cho Torino.
Ở Italy, Law không hài lòng với mức thu nhập cũng như lối chơi ưa chuộng chiến thuật phòng ngự catenaccio của các đội bóng Serie A thời bấy giờ. Law lại yêu cầu ra đi chỉ sau một mùa, nhưng trong khi Torino muốn bán ông cho Juventus, ông nhất mực muốn trở lại Anh để đầu quân cho Manchester United. Law thậm chí đã bỏ về quê nhà ở Scotland để ép Torino phải chấp nhận lời đề nghị của United, đội bóng luôn muốn sở hữu ông trong đội hình.
Thành tích của Law tại Manchester United đã là một phần của lịch sử. Trong 11 mùa giải gắn bó với sân Old Trafford, ông chơi 404 trận trên mọi đấu trường, ghi được 237 bàn, vô địch giải First Division hai lần, vô địch cúp FA và vô địch cúp châu Âu, tiền thân của Champions League ngày nay. Ông cũng giành Quả bóng vàng và vua phá lưới cúp châu Âu trong thời gian thi đấu cho United.
Năm 1973, ông trở lại đầu quân cho Manchester City. Mùa giải cuối cùng trong sự nghiệp cầu thủ của ông kết thúc bằng bàn thắng đánh gót ấn định tỷ số 1-0 vào lưới đội bóng cũ Manchester United trên sân Old Trafford, góp phần khiến United xuống hạng.
Thực chất, kết quả những trận đấu còn lại của ngày hôm đó cũng đã định đoạn số phận của Man United, ngay cả khi United thắng trận thì cũng không thể trụ hạng.
Brian Kidd
Ngôi sao thứ hai chúng tôi muốn nhắc đến là Brian Kidd. Xét về danh tiếng và mức độ thành công trong sự nghiệp cầu thủ, Brian Kidd không thể so sánh với Denis Law. Tuy vậy, trên cương vị huấn luyện, tầm ảnh hưởng của ông đối với hai đội bóng thành Manchester vượt xa Law.
Brian Kidd trưởng thành từ lò đào tạo của Manchester United và thi đấu cho đội bóng này từ 1967 tới 1974.
Sau khi Man United xuống hạng vào năm 1974, ông chuyển tới đầu quân cho Arsenal, nhưng chỉ hai năm sau đã quay lại Manchester, lần này để khoác áo City. Ông có sự nghiệp khá thành công ở City, với 44 bàn trong 98 lần ra sân ở First Division.
Năm 1988, HLV Alex Ferguson đưa Brian Kidd trở lại Manchester United để huấn luyện đội trẻ, nơi ông trực tiếp dẫn dắt thế hệ 92 nổi tiếng của United thành những ngôi sao hàng đầu Premier League.
Kidd rời United năm 1998, và sau nhiều cương vị huấn luyện khác nhau, ông tới Man City làm trợ lý cho nhiều đời HLV, bao gồm Roberto Mancini, Manuel Pellegrini và sau này là Pep Guardiola.
Peter Schmeichel
Cái tên thứ ba trong danh sách ngày hôm nay chính là thủ thành huyền thoại Peter Schmeichel. Schmeichel được đánh giá là một trong những thủ môn xuất sắc nhất lịch sử, một phần chính là nhờ sự nghiệp lẫy lừng của ông tại Manchester United.
Tất nhiên, trước khi đầu quân cho United, ông đã có tiếng tăm đáng kể ở châu Âu nhờ những mùa giải xuất sắc trong màu áo đội bóng Đan Mạch Brondby, nơi ông vô địch giải quốc nội 4 lần.
Thế nhưng Schmeichel trở thành cái tên nổi tiếng toàn cầu từ sau khi đầu quân cho Manchester United vào năm 1991. Trải qua 8 mùa giải ở Old Trafford, Schmeichel chơi gần 400 trận trên mọi đấu trường, giành 5 chức vô địch Premier League, 3 lần vô địch Cúp FA, một lần vô địch League Cup, và rõ ràng, thành tích nổi bật nhất là “cú ăn ba” lịch sử ở mùa giải 1998-99. Schmeichel rời Man United vào cuối mùa giải 1999, khi đã 36 tuổi, do lo ngại thể lực của ông không còn đảm bảo thi đấu xấp xỉ 60 trận mỗi mùa. Ông đầu quân cho Sporting Lisbon, sau đó là Aston Villa, trước khi chơi mùa giải cuối cùng trong sự nghiệp ở Manchester City.
Schmeichel chưa từng thua trận derby thành Manchester, bởi trong 9 năm khoác áo United, ông không một lần thất bại trước City, trong khi ở mùa giải duy nhất tại City, ông cũng có thành tích một thắng, một hòa trước đội bóng cũ.
Andy Cole và Andrei Kanchelskis
Hai đồng đội khác của Schmeichel cũng từng khoác áo cả United lẫn City là Andy Cole và Andrei Kanchelskis. Andy Cole xuất thân từ lò đào tạo của Arsenal nhưng thành danh tại Newcastle United, nơi ông giành danh hiệu vua phá lưới Premier League mùa giải 1993-94 với 34 bàn.
Manchester United chiêu mộ Cole từ Newcastle United với giá 7 triệu bảng, một kỷ lục của bóng đá Anh thời bấy giờ, nhưng ông chỉ thực sự trở thành chân sút ngôi sao của Man United sau khi Eric Cantona ra đi vào năm 1997.
Trong 8 mùa giải tại sân Old Trafford, Cole thi đấu 275 trận, ghi 121 bàn trên mọi đấu trường, giành 5 chức vô địch Premier League, 2 cúp FA và tất nhiên có mùa giải “ăn ba”.
Sau khi rời United, Cole thi đấu ba mùa cho Blackburn Rovers và sau đó là Fulham, trước khi trở lại Manchester để đầu quân cho City. Dù chỉ khoác áo Man City duy nhất một mùa giải 2005-06, Cole vẫn là chân sút hàng đầu của đội bóng này trong năm đó.
Trong khi đó, Andrei Kanchelskis được Manchester United chiêu mộ từ Shakhtar Donetsk vào năm 1991. Trong những năm khoác áo Man United, Kanchelskis thi đấu 123 trận, ghi 28 bàn ở Premier League, cùng đội bóng này vô địch Premier League 2 lần và cúp FA một lần.
Sau một thời gian thi đấu cho Everton, Fiorentina và sau đó là sự nghiệp khá thành công ở Scotland với Rangers, Kanchelskis được cho mượn tới City vào năm 2001. Ông không ghi được bàn nào trong 10 lần ra sân tại Premier League trong màu áo City, chỉ ghi được duy nhất một bàn vào lưới Liverpool tại Cúp FA năm đó.
Carlos Tevez
Ngôi sao tiếp theo trong danh sách ngày hôm nay không ai khác chính là Carlos Tevez. Chân sút lừng danh của bóng đá Argentina xuất thân tại Boca Juniors và sau đó chơi cho Corinthians, rồi được chuyển tới West Ham vào năm 2006, cùng người đồng đội không kém tiếng tăm chút nào là Javier Mascherano.
Sau thương vụ chuyển nhượng tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông, Tevez đầu quân cho Manchester United vào năm 2007. Trong hai mùa giải tại sân Old Trafford, chân sút Argentina chơi 99 trận và ghi được 34 bàn, trở thành một phần quan trọng trong hàng công của Man United, bên cạnh Wayne Rooney và Cristiano Ronaldo. Anh vô địch Premier League cả hai mùa, đồng thời cũng vô địch Champions League mùa 2007-08.
Những tranh cãi tiếp tục nổ ra vào năm 2009, khi Tevez bất ngờ trực tiếp đầu quân cho kình địch Manchester City. Bốn mùa giải khoác áo Man xanh của Tevez không êm đềm chút nào khi anh không ít lần đòi đàm phán tăng lương, đòi ra đi, thậm chí hục hặc với HLV Roberto Mancini và ban lãnh đạo Man City sau khi phải ngồi dự bị ở trận đấu với Bayern Munich mùa 2011-12.
Tevez bị cấm cửa khỏi đội bóng một thời gian, bị phạt tiền và không được thanh toán thưởng trung thành, nhưng do không thể tìm được đội bóng nào khác, anh lại quay về Man City vào nửa cuối mùa giải năm đó, góp phần giúp đội bóng lần đầu tiên vô địch giải đấu hàng đầu nước Anh sau 44 năm.
Owen Hargreaves
Cái tên cuối cùng trong danh sách ngày hôm nay là Owen Hargreaves. Sinh ra và lớn lên tại Canada, Hargreaves gắn bó với Bayern Munich cho tới năm 2007, sau khi giành nhiều danh hiệu lớn nhỏ cùng đội bóng.
Hargreaves đầu quân cho Manchester United năm 2007 và trải qua một mùa giải tương đối thành công với chức vô địch Premier League và Champions League. Thế nhưng ác mộng chấn thương đeo bám cầu thủ người Anh khi trong ba mùa giải kế tiếp, anh chỉ thi đấu vỏn vẹn 5 trận trên mọi đấu trường cho Man United.
Sau khi hợp đồng với Man United hết hạn vào năm 2011, Hargreaves từ chối West Brom của HLV Roy Hodgson để gia nhập Manchester City. Dù ghi bàn trong trận ra mắt ở League Cup, tiền vệ người Anh chỉ thi đấu duy nhất một trận tại Premier League trong cả mùa giải năm đó. Manchester City giành chức vô địch, nhưng Hargreaves do chỉ chơi đúng 1 trận nên không thể nhận huy chương.
Cuối cùng, hãy cho chúng tôi biết quan điểm của các bạn về các cầu thủ khoác áo cả Manchester United và Manchester City ở phần bình luận phía dưới video. Liệu Jadon Sancho và có thể là Cristiano Ronaldo có thành công trong màu áo CLB mới?