Trầm cảm là gì? Chắc các anh em trong Góc khán đài đã biết rõ hay chí ít thì cũng nghe nhắc về căn bệnh thế kỷ này rồi. Theo y học, trầm cảm là một chứng rối loạn tâm thần phổ biến.
Các triệu chứng của căn bệnh bao gồm: tâm trạng buồn bã kéo dài ít nhất hai tuần liên tiếp, lòng tự trọng thấp, mất hứng thú với các hoạt động bệnh nhân từng cảm thấy thú vị, hay các hoạt động bình thường cũng dần trở nên khó khăn với bệnh nhân, cảm thấy uể oải thiếu năng lượng, đau nhưng không rõ nguyên nhân. Có thể thỉnh thoảng những người mắc bệnh trầm cảm còn ảo tưởng hoặc gặp ảo giác.
Các triệu chứng của căn bệnh có thể cách vài năm mới gặp, hoặc gần như luôn xuất hiện. Trầm cảm nặng thì nỗi buồn sẽ kéo dài hơn, và những việc vốn là một phần bình thường của cuộc sống bỗng trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra khi mắc bệnh, cảm xúc của bệnh nhân sẽ trở nên bất thường


Rối loạn trầm cảm nặng ảnh hưởng đến khoảng 163 triệu người (2% dân số thế giới) vào năm 2017. Tỷ lệ sống lâu hơn với chứng này ở các nước phát triển (15%) cao hơn so với các nước đang phát triển (11%). Riêng ở Pháp, tỷ lệ những người bị trầm cảm tại một thời điểm trong cuộc đời của họ lên đến 21%.
Sao bao nhiêu nước mà chúng tôi không nói mà lại kể về Pháp? Vì trong video này, chúng ta sẽ nói về một cầu thủ người Pháp đang trải lòng về trầm cảm. Nào các anh em hãy thực hiện chuẩn chỉ 5K, subscribe kênh, like các sản phẩm của GKĐ để chùng chúng tôi đầu nha.
Nhân vật chính của chương trình hôm nay là Paul Pogba. Pogba? Trầm cảm? Ngạc nhiên chưa nào? Anh em đa số sẽ nghĩ đến vài cái tên bị thất sủng như Phil Jones hay Jesse Lingard – những người quả thực từng kể về vấn đề mà họ từng đối mặt và trải qua trong những năm tháng khó khăn ở MU, chứ có lẽ ít người tin rằng Pogba cũng xuất hiện trong danh sách “Bệnh nhân trầm cảm” ở Old Trafford.
Cầu thủ này trông khỏe như trâu, ngoài sân lúc nào cũng tếu táo, tóc tai nhảy nhót, cơ bản chẳng giống gì người tâm bệnh cả. Có chăng thì người ta nghĩ anh tăng động nên mới làm ngựa chứng tại Old Trafford. Nhưng chúng ta hãy nghe Pogba trải lòng nào.
“Tất cả các vận động viên hàng đầu đều trải qua những khoảnh khắc này nhưng ít người nói về nó. Chắc chắn, bạn sẽ cảm thấy chứng trầm cảm trong cơ thể, trong đầu bạn, và bạn có thể chịu cảm giác như vậy trong một tháng, thậm chí một năm, khi bạn thấy bản thân không được khỏe”.


Vâng, đó là đoạn Paul Pogba đã mở lòng về cuộc đấu tranh của anh với sức khỏe tinh thần.
Paul Pogba là vận động viên tiếng tăm mới nhất dám nói thẳng về sức khỏe tâm thần và chứng trầm cảm trong khi cố gắng thể hiện tinh thần mạnh mẽ trên sân.
Tiền vệ của Manchester United đã mở lòng khi trở về tập trung cùng tuyển Pháp. Số 6 tiết lộ những cuộc đấu tranh của anh đã bắt đầu từ giai đoạn chịu căng thẳng tại Old Trafford trước đây.
Trên tờ LE Figaro, Pogba kể:
“Tôi đã từng bị trầm cảm trong sự nghiệp của mình, nhưng chúng ta không nói về nó. Đôi khi bạn không biết mình đang mắc phải chứng trầm cảm, bạn chỉ muốn cô lập bản thân, ở một mình. Đây là những dấu hiệu không thể nhầm lẫn.
Với cá nhân tôi, nó bắt đầu khi tôi còn cùng với Jose Mourinho ở United. Khi ở hoàn cảnh đó, bạn hay tự chất vấn bản thân, bạn hay tự hỏi liệu mình có lỗi lầm hay không vì bạn chưa bao giờ trải qua những khoảnh khắc kiểu như thế trong đời.”
Cầu thủ người Pháp là một trong những bản hợp đồng đầu tiên của Mourinho tại Old Trafford vào năm 2016 nhưng mọi thứ rõ ràng đã trở nên khó khăn giữa hai người. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi sự bất đồng trên sân tập đã bị camera ghi lại trong nhiều tuần dẫn đến việc HLV người Bồ Đào Nha bị sa thải vào năm 2018.


Thời gian của Pogba ở United không hẳn thành công rực rỡ mà nó là những chấn thương và phong độ trôi nổi trên sân. Còn ngoài sân, áp lực lớn từ những lời tuyên bố rất nặng nề của người đại diện Mino Raiola. Tay môi giới này luôn lèm bèm việc thân chủ muốn rời câu lạc bộ và sau đó, Pogba phải chịu một không khí lạnh nhạt từ CLB.
Thêm vào đó là những thất bại liên tục trên sân của United khiến mọi người phẫn nộ. Pogba với tư cách là bản hợp đồng kỷ lục của câu lạc bộ thường trở thành cột thu lôi cho những lời chỉ trích khi mọi thứ diễn ra không như ý muốn.
Có một meme internet với mặt của chuyên gia trên Sky Sport, Graeme Souness. Nó ghi lại cảnh huyền thoại Liverpool gầm gừ với hiệu ứng cho thấy sự tức giận của ông ta. Hình ảnh này gần như luôn được chú thích với lời chỉ trích thậm tệ đối với Pogba. Souness và các chuyên gia khác bị cáo buộc về việc chỉ trích nhắm vào cầu thủ số 6 một cách vô lối. Nhưng cáo buộc vậy thì cũng thôi, chỉ có Pogba là tổn thương khi meme này bị lạm dụng tới mức nhìn thấy nó là anh down tin thần.
Những hành động ngoài sân cỏ của Pogba cũng thường xuyên bị soi mói, từ gu ăn mặc, kiểu tóc và tới cách nói tưng tửng trên mạng xã hội. Chúng thường được sử dụng như một cây gậy để chọc để đập ngược lại cầu thủ người Pháp nếu màn trình diễn của anh không khiến họ vừa lòng. Có vẻ như đời tư của anh trở thành cái bia bị bắn phá nếu anh không thể hiện hoàn hảo trên sân.
Và trong khi ánh đèn sân khấu thường đổ dồn vào Pogba, anh phát hiện mình không phải là người duy nhất phải đối mặt với những lời chỉ trích. Sau khi bị loại khỏi Champions League bởi Atletico Madrid, các cầu thủ vốn được nghỉ 17 ngày trước trận đấu tiếp theo của họ với Leicester vào ngày 2/4.
Tuy nhiên, sau khi thầy trò nhà HLV Ralf Rangnick bị chộp hình đi tham dự một buổi hòa nhạc và các sự kiện thể thao khác, cựu thủ quân Quỷ đỏ Gary Neville đã đưa ra một lời châm biếm khi gọi họ là “bọn điếc” và đề nghị họ “ngồi im”. Có lẽ Neville quen chém gió chỉ trích cho rằng sau khi thua thì thầy trò Rangnick phải đóng cửa phân tích thất bại chứ không nên vác mặt ra đường, thưởng thức giải trí.
Trong cuộc phỏng vấn sau đó, Pogba đã chỉ ra một cách sâu sắc rằng các cầu thủ “không phải siêu nhân, mà chỉ là con người”. Dù không đề cập trực tiếp đến Neville nhưng ai cũng hiểu, điều này có thể là một phản ứng gián tiếp của số 6 đối với lời nói của Neville.
Nếu một người có kém cỏi hơn bình thường thì cũng không đáng buộc bản thân phải xa lánh xã hội, cũng như thất bại không nên dẫn đến những lời chỉ trích đến mức lạm dụng để câu view, kiếm fame trên đau khổ của người khác. Thế nhưng, xu thế đó dường như đang xuất hiện tràn lan trong những ngày này.
Một nghiên cứu của Liên đoàn cầu thủ thế giới (FIFPro) cho thấy giới cầu thủ bóng đá dễ mắc bệnh tâm lý gấp ba lần so với người bình thường.
Nghiên cứu cũng cho thấy tác nhân chính của căn bệnh trầm cảm ở cầu thủ, đó là các chấn thương. So với những người bình thường, các cầu thủ từng dính nhiều hơn 3 lần chấn thương nặng sẽ gặp vấn đề về tâm lý nhiều hơn từ 2-4 lần. Ngoài trầm cảm và nỗi lo lắng quá độ, có đến 23 % trong số các cầu thủ được khảo sát gặp phải chứng khó ngủ. Nghiêm trọng nhất là chứng nghiện rượu, có 9 % trong số những cầu thủ còn thi đấu bị nghiện rượu, trong khi con số này với những cựu cầu thủ lên đến 25 %. Tất cả đều do áp lực từ bóng đá mà chính CĐV gián tiếp tạo ra.
Chúng ta đừng quên ngày 10/11/2009, thế giới bóng đá rúng động trước thông tin thủ môn tuyển Đức, đội trưởng CLB Hannover Robert Enke tự vẫn ở tuổi 32. Đằng sau cái chết của Enke là “bóng ma” có tên trầm cảm, nỗi bất hạnh của bất kỳ vận động viên nói chung và thủ môn bóng đá nói riêng nào từng phải đối mặt.
Ngôi sao quần vợt Naomi Osaka gần đây đã gục ngã tại Indian Wells vì bị stress. Trong quá khứ, Osaka đã nói rất nhiều về các vấn đề sức khỏe tâm thần của bản thân, nhấn mạnh loại áp lực mà các vận động viên cấp đỉnh cao phải đối mặt để trở thành người giỏi nhất.
Ngôi sao quần vợt đồng hương Nick Kyrgios cũng đã nói về ‘thời kỳ đen tối’ trong khi 2 huyền thoại bi da Ronnie O’Sullivan và Mark Selby gần đây cũng đã lên tiếng về cuộc đấu tranh của họ.
Việc Pogba và những người khác đã bắt đầu công khai chuyện này là tín hiệu tốt. Điều đó khiến chúng ta với tư cách là người hâm mộ và những người quan sát phải đánh giá lại cách hành xử, không thể luôn đòi hỏi họ là siêu nhân và không thể tạo ra những áp lực vô lý cho họ.
Giống như Pogba từng nói, chơi thể thao giỏi không khiến bạn trở thành siêu anh hùng. Có lẽ mỗi người trong số fan bóng đá cần có sự đồng cảm và thấu hiểu hơn về những gì các cầu thủ phải đối mặt, chịu đựng và trải qua thay vì cứ nhìn vào mức lương khủng của anh ta trong quan hệ so sánh với màn trình diễn trên sân cỏ để buông lời cay đắng, chỉ trích, mạt sát, chửi bỏi cho sướng miệng mỗi khi họ thể hiện không được như kỳ vọng.
Chúng ta luôn có xu hướng dễ dàng đồng cảm và thương cảm với những người làm nghành nghề bình thường nhưng luôn khắt khe và sẵn sàng làm tổn thương những cầu thủ bóng đá ngôi sao. Đôi khi chính chúng ta mới là những người góp phần tạo ra sự trầm cảm nơi họ!
Nguồn tham khảo: ESPN