Đối với người Hàn Quốc sau 2002, bóng đá trở thành một thứ tôn giáo. Họ thành khẩn thực hiện những cuộc hành hương sang châu Âu.
Cách đây 20 năm, hành trình hành hương đơn giản chỉ là sang Hà Lan thăm quê hương của Guus Hiddink, người đã đưa bóng đá Hàn Quốc lên một tầm cao mới khi lần đầu lọt vào bán kết World Cup.
Khoảng hơn 10 trước, cuộc hành hương của người yêu bóng đá Hàn Quốc được bổ sung thêm việc đến sân Old Trafford để coi Park Ji Sung thi đấu trong màu áo Quỷ đỏ.
Còn bây giờ, những cuộc ghé thăm sang Hà Lan cũng thưa dần, ít người Hàn Quốc lai vãng đến Manchester và địa điểm hành hương bóng đá có địa chỉ mới.

Chào các bạn đã đến London, nơi có dòng sông Thames và tháp đồng hồ Big Ben. Nhưng địa điểm chúng ta hành hương bóng đá không phải là sân Wembley mà là sân Tottenham Hotspur, nơi Son Min Heung đang thi đấu.
Có điểm gì khác giữa Park và Son không? Có đó. Nào các anh em, hãy subscribe kênh, bấm rung chuông, like các sản phẩm thuộc hệ thống GÓC KHÁN ĐÀI để cùng chúng tôi đến với video nói về cuộc hành hương của người Hàn Quốc để cố vũ ngôi sao bóng đá Son Heung Min phá tan những định kiến về cầu thủ châu Á nha!
Son Heung Min từ lâu đã trở thành một biểu tượng đối với những người hâm mộ đã hành hương từ quê nhà Hàn Quốc sang Anh chỉ để xem anh thi đấu. Ngay cả ở châu Âu, nếu được tiếp xúc thì không có bất kỳ ai nghi ngờ nào về tài năng của Son, kể từ khi anh lần đầu tiên đến Hamburg, ở Đức lúc còn là một thiếu niên.
Roger Schmidt, một trong những HLV của Son tại Bayer Leverkusen, đội bóng Bundesliga thứ hai mà Son đầu quân, nói: “Cậu ấy là một ngôi sao. Không chỉ người hâm mộ Leverkusen yêu cậu ấy; cả người hâm mộ của rất nhiều CLB khác nữa”. Pochettino từng gắng ký hợp đồng với Son khi ông vẫn còn dẫn dắt Southampton. Mùa hè 2018, Bayern Munich đã bày tỏ ý muốn đưa anh trở lại Đức.
Nhưng phải đến 2019 – mà đúng hơn là vài tuần cuối mùa giải 2018-19 khi anh cựa mình trở thành trụ cột bậc nhất của Tottenham – thì nước Anh và châu Âu, mới bắt đầu dành cho Son sự đối xử ngôi sao: Son- tiền đạo mà khiến người ta lo ngại khi vắng mặt, Son -cầu thủ có thể dẫn dắt đội bóng đến chức vô địch Champions League, Son – chủ đề của vô số bài báo phân tích bằng cả chục ngôn ngữ.
Và Son không chỉ là hiện tượng nhất thời mà anh tiếp tục duy trì đẳng cấp ngôi sao đó cho đến 3 năm sau, ngay lúc này, khi anh đang là cầu thủ ghi bàn tốt nhất Tottenham và tốt thứ 2 Ngoại hạng Anh 2021/22.

Vào mùa hè năm 2013, thỏa thuận của Leverkusen với nhà cung cấp năng lượng mặt trời Sunpower đã hết hạn và họ đang vật lộn để tìm đối tác thay thế. Tháng 6 năm đó, với chi phí 10 triệu euro, họ đã ký hợp đồng với Son từ Hamburg. Đó là vụ chuyển nhượng đắt giá nhất trong lịch sử CLB. Vào tháng 8, Leverkusen đã ký hợp đồng 3 năm với hãng điện tử Hàn Quốc LG như nhà tài trợ in tên lên áo đấu. Theo các điều khoản của hợp đồng, Son là đại sứ thương hiệu cho LG Electronics.
Bóng đá châu Âu từ lâu đã coi các cầu thủ đến từ Đông Á qua hai ống kính. Về cơ bản, đó là chiến lược tiếp thị. Một cầu thủ Đông Á trong đội hình không chỉ giúp giành được tình cảm và sự chú ý của đông đảo khán giả ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, mà còn thu hút các nhà tài trợ từ các thị trường đó.
Sau đó mới là mục tiêu chuyên môn. Nhưng có rất ít cầu thủ châu Á đáp ứng tốt mục tiêu thứ hai như trường hợp của Park Ji-sung, cựu tiền vệ của Manchester United, cầu thủ Hàn Quốc đầu tiên từng góp mặt trong một trận chung kết Champions League.
Lim Hyun-joo, giảng viên cấp cao về xã hội học tại Đại học Bournemouth, cho biết: “Tôi nhớ mình đã đi xem một trận đấu ở Seoul khi Park còn chơi cho Manchester United. Park được coi là một cầu thủ giỏi ở Anh, nhưng tại đó người ta không coi anh là idol, là siêu sao. Tôi thực sựu đã bị sốc bởi sự tiếp đón ở Hàn Quốc: tất cả mọi người đều phát điên vì anh ấy”.
Park đã có bảy năm ở Old Trafford, và được người hâm mộ cũng như HLV Alex Ferguson đánh giá cao và trao nhiều cơ hội ra sân. Tuy nhiên, những đức tính của Park không nhất thiết phải liên quan đến tài năng của anh ấy: anh ấy được trân trọng vì mẫn cán và kỷ luật. Park thường được giao nhiệm vụ đánh chặn, theo kèm mối đe dọa lớn nhất của phe đối phương.
Đó là một tư duy điển hình ở châu Âu với các cầu thủ châu Á: họ có thể bán áo đấu, vé và các hợp đồng tài trợ ngoài sân cỏ, và thường dùng anh ta với tư cách là một người lao động chăm chỉ.
Khi Son ký hợp đồng với Tottenham, vào năm 2016 – cùng năm LG kết thúc hợp đồng tài trợ với Leverkusen – anh tự mô tả phong cách chơi của mình là “dũng cảm và táo bạo”. Người đại diện của anh ấy, Thies Bliemeister, nhớ lại đã đến thăm Son khi còn là một thiếu niên ở Hamburg, và bị ấn tượng rằng Son “chưa bao giờ quanh quẩn trong phòng hay chơi PlayStation với những người khác: anh ấy luôn ở bên ngoài, luyện tập và học hỏi”. Schmidt cho biết Son dành hàng giờ một mình trên sân tập, trau dồi khả năng sút, hoàn thiện độ chính xác bằng cả hai chân, đầu tiên là từ trong vòng cấm rồi sau đó là ở những cự ly xa hơn, lặp đi lặp lại.
Chưa hết, trong một thời gian dài, điều mà mọi người – kể cả những người làm việc thân thiết với Son – nhận thấy ở cầu thủ này là khả năng làm việc chăm chỉ hơn họ tưởng tượng. “Cậu ấy là không biết mệt mỏi” Pochettino mô tả. Hãy so sánh cậu ấy với chú thỏ Energizer: “Cậu ấy không bao giờ bỏ cuộc mà luôn cố gắng, cậu ấy cố gắng hết lần này đến lần khác”.
Đối với giảng viên Lim, có một sự cộng hưởng trong cách châu Âu đối xử với các cầu thủ châu Á với cách mà người Mỹ nhìn nhận người nhập cư châu Á. Lim nói: “Nội dung tin tức về Son mà tôi được đọc tập trung rất nhiều vào sự chăm chỉ, tính kỷ luật và sự hiền lành của anh ấy. Điều đó không hẳn là do ý thức, không phải là cố tình phá giá anh ấy. Nhưng có một cách nhìn định kiến đối với các cầu thủ Hàn Quốc hay Nhật Bản, đó là việc xây dựng hình tượng con người châu Á qua lăng kính của khuôn mẫu ‘công dân ngoan ngoãn’.”
Lim chỉ ra rằng nó không nhất thiết phải là một hình ảnh tiêu cực. Và nó không sai dù trong trường hợp của Son, là không hoàn toàn đúng. Bliemeister đã biết Son hơn một thập kỷ và nói về người bạn Hàn với tình cảm chân thành: “một chàng trai vui tính, tích cực, vui vẻ học hỏi, tôn trọng các HLV”. Bliemeister nói, Son quyết tâm đạt được thành công ở châu Âu đến mức anh ấy đã học tiếng Đức bằng cách xem các tập phim “SpongeBob SquarePants”.
“Nhưng dù sao, những cuộc thảo luận xung quanh Son thường theo một khuôn mẫu đã bị định kiến từ trước. Có nghĩa là thật khó để nghĩ về Son như một siêu sao, bởi vì ngôn ngữ mà chúng tôi sử dụng để mô tả anh ấy không giống với ngôn ngữ chúng tôi sử dụng cho một siêu sao. Các siêu sao bóng đá sở hữu nhiều thứ khác, hơn là « chỉ » có sự-chăm-chỉ” .
Gần 10 năm trước, Apertura Sports nhận thấy một lỗ hổng trong thị trường chuyển nhượng của bóng đá. Ngày càng có nhiều CLB của Đức tìm cách mở rộng sang châu Á, với hy vọng thu hút được người hâm mộ và mỏ rộng thương mại ở Nhật Bản, Hàn Quốc và – đặc biệt – Trung Quốc. Con đường nhanh nhất để tiếp cận một lượng lớn khán giả mới dường như là nhập khẩu một cầu thủ là người hùng bản địa. Chỉ có điều, rất ít đội có đủ sự quen biết để tuyển dụng một cách tự tin. Apertura quyết định trở thành cầu nối.
Johannes Graf Strachwitz, một trong những người sáng lập của Apertura, cho biết: “Chúng tôi đã tuyển dụng một tuyển trạch viên, một người từng chơi cho đội U21 Đức và nói tiếng Quan Thoại tốt. “Chúng tôi đã cử anh ấy đi khắp Trung Quốc trong nhiều tháng để tìm kiếm cầu thủ, nhưng anh ấy không tìm được ai đủ tiêu chuẩn để chơi ở Bundesliga. Chất lượng là chìa khóa: họ phải đủ tốt để chơi.
“Cuối cùng, anh ấy quay lại và nói rằng đã tìm thấy hai người. Chúng tôi đã rất nhẹ nhõm cho đến khi anh ấy nói: họ không phải là người Trung Quốc, họ là người Hàn Quốc”.
Apertura, hợp tác với các trung gian ở Hàn Quốc, đã nhận hai cầu thủ này và bắt đầu giới thiệu họ cho các CLB khác nhau của Đức. Phản ứng hầu như không hiệu quả. Ông nói: “Rất nhiều CLB không thực sự quan tâm. Họ loại bỏ ý tưởng ký hợp đồng với người Hàn Quốc”
Sự hoài nghi của châu Âu về các cầu thủ châu Á – rằng họ là công nhân giỏi hoặc được trả lương cao – đã trở nên sâu sắc. Năm 2003, rất lâu trước khi Apertura tìm thấy hai cầu thủ Hàn Quốc đầu tiên, Lee Young-pyo, một ngôi sao của đội tuyển Hàn Quốc tại World Cup 2002, gia nhập đội Hà Lan PSV Eindhoven.
Lee biết rằng anh nhận được niềm tin từ HLV: Dù sao thì Guus Hiddink của PSV đã dẫn dắt đội tuyển Hàn Quốc vào đến bán kết World Cup. Lee nói “Ông ấy biết tôi rất rõ. Tuy nhiên, các đồng đội có suy nghĩ khác về tôi.”
Theo ước tính của bản thân, Lee đã mất một năm hoặc lâu hơn để thuyết phục đồng đội. Lee nhớ chính xác vào ngày 24/10/2004, Lee ghi một bàn và kiến tạo một bàn khác trong chiến thắng 2-0 trước Ajax. “Tôi đã phải đối mặt với định kiến về một cầu thủ châu Á, và mất khá nhiều thời gian để chứng tỏ khả năng của mình với các đồng đội. Cuối cùng tôi đã có thể phá vỡ định kiến trong trận đấu đó”
Nhiều năm sau khi Lee và Park giúp PSV vào bán kết Champions League, Apertura vẫn chứng kiến các CLB kiên định chống lại việc nhập khẩu cầu Hàn Quốc. Nhưng cứ mỗi mùa trôi qua, điện thoại của Apertura lại bận rộn hơn một chút, ngày càng có nhiều CLB quan tâm đến các cầu thủ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tuy nhiên, định kiến vẫn tồn tại, chỉ khác ở chỗ là không còn nhiều sự kỳ thị phủ nhận mà là nếp nghĩ về loại cầu thủ mà các CLB có thể tìm thấy ở châu Á. Strachwitz nói: “Họ coi cầu thủ châu Á là những người tận tâm, đáng tin cậy, làm việc chăm chỉ, tôn trọng những người lớn tuổi và do đó không bao giờ là vấn đề đối với một HLV.
Tất nhiên, trong trường hợp của Son, tất cả điểu trên đều đúng. Chỉ có điều, Son khác các cầu thủ châu Á trước kể cả Park, khi anh tỏa sáng bằng tài năng bóng đá của mình, với rất nhiều bàn thắng và những màn trình diễn siêu hạng. Tottenham nói riêng và Premier League nói chung nên cảm thấy may mắn về có một Son như thế, không phải ngược lại ! Và khi xuất hiện nhiều Son khác nữa thì định kiến về cầu thủ châu Á sẽ bị xóa bỏ hoàn toàn.