Chiến thắng sít sao 1-0 trước Wolverhampton Wanderers dù không phải là màn trình diễn có thể khiến người hâm mộ Manchester United hài lòng, song trận đấu này vẫn đánh dấu một cột mốc đáng chú ý của đội bóng – đó là trận thứ 28 trên sân khách mà Quỷ đỏ không thua, kể từ sau thất bại trước Liverpool trên sân Anfield hồi tháng 1/2020.
Hay nói cách khác, Bruno Fernandes chưa từng nếm mùi thất bại trên sân khách kể từ khi chuyển tới Manchester United.
Thông số này của quả thực kỳ lạ với những nhà phân tích bóng đá, bởi đội bóng của Ole Gunnar Solskjaer đã đạt được kỷ lục với sự kết hợp của sự lì lợm, kỹ năng của từng cá nhân và dĩ nhiên là một chút may mắn.

Họ là đội duy nhất trong các đội có chuỗi trận bất bại trên sân khách dài nhất mà không vô địch Premier League, và đáng ngạc nhiên hơn là trong chuỗi 28 trận này có không ít lần Manchester United giành điểm ở thế bị dẫn trước.
Nhưng câu hỏi được đặt ra là làm thế nào mà Manchester United lại ổn định tới đáng kinh ngạc như vậy khi phải đá trên sân khách? Vì sao họ lại có nhiều trận lội ngược dòng? Và liệu chuỗi bất bại này sẽ còn kéo dài tới khi nào?
Góc khán đài sẽ cùng các bạn nhìn vào những con số thống kê và chiến thuật để giải thích lý do Quỷ đỏ lại chơi tốt đến vậy khi không thi đấu tại Old Trafford.
Đầu tiên, chúng ta hãy nhìn vào những con số tổng quát nhất.
Khi Manchester United bắt kịp thành tích bất bại trên sân khách của Arsenal mùa giải 2003/04, ai cũng cho rằng đây là một chiến tích khó tin ở Premier League hiện tại, khi mà số lượng đội bóng cạnh tranh vị trí dự Champions League nhiều hơn và các đội tầm trung cũng khó bị đánh bại hơn.
Nếu đặt lên bảng so sánh 27 trận của Manchester United với với 27 trận của Arsenal – không tính chiến thắng trước Wolves vừa qua – ta sẽ thấy đội bóng của Solskjaer giống hệt Arsenal bất bại của Wenger về số trận thắng và hòa, số bàn thắng và bàn thua cũng không quá chệnh lệch, tuy nhiên khác biệt lớn nhất là ở số trận lội ngược dòng.

9 trận ngược dòng trong tổng số 27 trận là một con số rất khó đạt được và nó chỉ kém thành tích giành tới 34 điểm ở thế bị dẫn bàn của Newcastle United mùa giải 2002/03 – trong đó có 10 chiến thắng. Nhưng thành tích của Chích chòe dưới sự dẫn dắt của Sir Bobby Robson khi đó là tính cả sân nhà và sân khách, trong khi ta chỉ tính các trận sân khách của Manchester United mà thôi.
Nguyên nhân đầu tiên được cho là bởi phương pháp tiếp cận trận đấu theo cách “khai thác khoảng không” của Quỷ đỏ. Một trong những yếu tố chiến thuật quan trọng của United trong thời kỳ này là tìm cách di chuyển thông minh thay vì cặm cụi chạy để ra chiến thuật, đồng thời hướng trái bóng tới các khoảng trống từ trước khi nó xuất hiện, kết hợp với các tình huống di chuyển không bóng và hút người để tạo không gian khi mà đối thủ đã bịt kín mọi con đường vào khung thành.
Chúng ta trở lại Tháng Một – khi Manchester United giành chiến thắng 2-1 từ thế bị dẫn 0-1 trước Fulham tại Craven Cotage – có thể thấy chiến thuật này rất thích hợp khi phải đá trên sân khách.
Dù cho cả mùa giải năm ngoái Premier League phải thi đấu mà không có khán giả thì các đội chủ nhà cũng cố gắng tấn công nhiều hơn, thay vì co cụm phòng ngự ở dưới thấp, thế nên phương pháp khai thác khoảng không này rất phù hợp để United tận dụng thời điểm khoảng cách giữa các tuyến của đối thủ nới rộng.
Sau khi có được bàn gỡ hòa thì United lại càng nguy hiểm hơn bởi lúc này các cầu thủ tấn công của họ đã nắm được những khoảng trống mình cần phải khai thác.
Sau trận đấu với Fulham, Solskjaer đã nói.
“Không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi liên tục sử dụng lối tấn công đó. Quan trọng nhất là cả đội không sợ hãi hay chùn bước khi bị dẫn bàn. Đến cuối mùa giải, nhiều người sẽ không quan tâm nhiều tới màn trình diễn của cả đội khi chiến thắng, nhưng chúng tôi sẽ biết mình cần phải cải thiện điều gì.”
Bên cạnh việc xác lập kỷ lục bất bại trên sân khách, Manchester United còn áp dụng chiến thuật của một tay đấm Quyền Anh hạng nặng, tức là dùng các miếng đánh nhử để thăm dò điểm yếu của đối phương trước khi tung ra những đòn quyết định. Tương tự, một khi đã tung sát chiêu là Manchester United muốn lập tức knock-out đối thủ.
Nhìn vào bảng thống kê bàn thắng kỳ vọng trong thười kỳ này, ta sẽ thấy đội bóng của Solskjaer vừa hay vừa may trong các tình huống dứt điểm khi phải thi đấu trên sân khách.

Bảng này cho thấy sự chênh lệch về số bàn thắng mà Manchester United ghi được trên sân khách – không tính các quả phạt đền – và chỉ số bàn thắng kỳ vọng. Màu xanh là khi số bàn thắng thực tế cao hơn mức kỳ vọng, còn màu đỏ là khi số bàn thắng thực tế thấp hơn mức kỳ vọng – tức là khi các chân sút của họ bỏ lỡ những cơ hội mười mươi.
Trong bảng này, phần màu xanh ở bên trái là quãng thời gian Solskjaer làm HLV tạm quyền. Ông đã giành 9 trận thắng liên tiếp trên sân khách ở mọi đấu trường, trong đó có trận thắng trước đối thủ cực mạnh là Paris saint Germain, trước khi để thua 0-2 trươc sArsenal. Trận đấu đó diễn ra vào năm 2019, và nhiều người cho rằng phong cách huấn luyện của Solskjaer có thể khiến Manchester United chơi khởi sắc hơn, nhưng vẫn chưa có sự ổn định cần thiết.
Sau đó đường màu xanh giảm dần trước khi bước vào giai đoạn màu đỏ. Manchester United trải qua phần lớn mùa giải 2019/20 với các kết quả bất ổn ở sân khách. Các tiền đạo giàu tốc độ của họ trở nên kém tự tin đặc biệt là trước những đối thủ không cho họ không gian và thời gian để chuyển trạng thái. Lúc này, HLV người Na Uy hiểu rằng ông cần phải thay đổi, và quyết định chi tiền để mang về Bruno Fernandes ngay trước khi thế giới bóng đá bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đồng thời vạch ra kế hoạch để giúp đội bóng giành vé dự Champions League ngay khi mùa giải được tiếp diễn. Khoảng màu xanh sau đó chính là điều mà cầu thủ người Bồ Đào Nha mang lại cho hàng công của Manchester United, khoảng cách giữa số bàn thắng thực tế và kỳ vọng tăng gấp đôi, trong đó có đóng góp rất lớn của tiền đạo Mason Greenwood, và Quỷ đỏ kết thúc mùa giải 2019/20 với phong độ ghi bàn đáng nể.
Bước sang mùa giải 2020/21, chuỗi phong độ ấn tương của Manchester United có giảm xuống một chút, nhưng họ vẫn giữ được mạch bất bại một phần là nhờ may mắn, một phần nhờ các ngôi sao với phẩm chất kỹ thuật xuất chúng đã tận dụng được những cơ hội không thực sự thuận lợi. Fernandes và Paul Pogba không phải lúc nào cũng lập công bằng những cú sút từ ngoài vòng cấm, song những tình huống đó đã nhiều lần giúp Manchester United vượt khó ở mùa giải trước.
Nhưng mùa giải 2020/21 lại kết thúc với phần màu đỏ, bởi Manchester United đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để leo cao trong giai đoạn cuối mùa. Để rồi khi bước sang mùa giải hiện tại, họ phải nhận trận hòa 1-1 trước Southampton, và điều đó cho thấy HLV Solskjaer còn rất nhiều việc phải làm.
Tại mùa giải 2020/21, chỉ có Tottenham, Leeds United và Manchester City là có số chênh lệch giữa bàn thắng thực tế và kỳ vọng ở sân khách cao hơn Manchester United. Đội bóng của Solskjaer không phải lúc nào cũng chơi tốt khi phải làm khách, nhưng họ thường ghi được bàn thắng vào những thời điểm tưởng chừng như bế tắc nhất. Thậm chí có những trận họ chơi tệ, song khả năng dứt điểm tốt đã giúp họ giành điểm.
Đó là những điểm tổng quan, bây giờ ta sẽ nhìn sâu hơn vào chi tiết. Trước trận đấu với Wolves, thành tích sân khách của Manchester United nhìn tổng quan có thể khiến người ta lầm tưởng họ là một ứng cử viên vô địch của Premier League, nhưng khi ta soi kỹ vào các thông số trung bình trên mỗi 90 phút thì có vẻ như họ là một đội bóng mang tính phóng khoáng hơn.

Khi mổ xẻ các thông số trong mỗi 90 phút của Manchester United mùa giải 2020/21 – không tính các quả phạt đền, ta sẽ thấy giống như mọi đội bóng khác ở Premier League, họ không thể chơi tốt ở sân khách hơn sân nhà được. Bằng chứng là số có sút ít hơn và các cơ hội có được cũng có chất lượng kém hơn – biểu hiện ở tổng chỉ số bàn thắng kỳ vọng ở sân khách của họ là 1,46, còn sân nhà là 1,34.
Ngoài ra, họ cũng phải nhận nhiều cú sút từ phía đối phương hơn khi đá sân khách. Nhiều người sẽ nói rằng việc đội chủ nhà đã quen với điều kiện mặt sân thì sẽ có lợi thế hơn là bình thường, nhưng khi mà số cú sút/90 phút tăng từ 9,79 lên 12,53 thì có lẽ nhiều người sẽ phải nhướn mày.
Nhưng đồng thời các CĐV Manchester United sẽ an tâm phần nào nếu thấy đội bóng của họ cũng biết cách hạn chế các cơ hội nguy hiểm của đối thủ. Trung bình mỗi 90 phút thì số bàn thua kỳ vọng của họ chỉ là 0,98 – đồng nghĩa với việc các đối thủ của họ nếu có sút nhiều thì cũng ở những tình huống khó ăn bàn.
Thêm vào đó, số bàn thua/90 phút ở sân khách của Manchester United cũng thấp hơn cả số bàn thắng kỳ vọng/90 phút. Việc giữ được mức bàn thua kỳ vọng/trận thấp hơn 1 chứng tỏ họ không chỉ hạn chế mức độ nguy hiểm của các cơ hội mà đối thủ có được, thậm chí họ còn không cho đối phương sút bừa. Điều này có vẻ hơi khó lý giải nếu ta không trực tiếp đứng trên sân.
Có thể là Harry Maguire chỉ huy các đồng đội giữ bóng nhiều hơn, hoặc cũng có lúc Aaron Wan Bissaka chỉ tập trung vào công tác phòng ngự và không để lộ bất kỳ khoảng trống nào ở hành lang phải, thỉnh thoảng ta cũng phải tính tới những trận mà Fred chơi tốt. Manchester United của Solskjaer dù có áp dụng chiến thuật đa dạng tới đâu thì họ cũng phải dựa trên những nguyên lý và phong cách căn bản nhất để hình thành lối chơi.
Trận thắng 3-1 trước West Ham hồi tháng 12 năm ngoái là một ví dụ. Đây cũng là một trận ngược dòng, và lối đá của Solskjaer giống như kiểu ông là một tay cờ bạc chuyên đặt tiền vào màu đỏ của trò roulette vậy. Dĩ nhiên chiến thuật này có độ rủi ro cao – điều đã được chứng tỏ khi Manchester United chơi không tốt ở các giải Cúp – nhưng ta phải thừa nhận rằng đây là một chiến thuật thông mình và phù hợp với môi trường bóng đá đóng kín chưa từng có tiền lệ.
Bên cạnh đó, dường như Solskjaer đã làm điều gì đó trong giờ nghỉ giữa 2 hiệp để giúp các cầu thủ Manchester United bùng nổ hơn. Khi ta so sánh số bàn thắng kỳ vọng lẫn bàn thua kỳ vọng giữa 2 hiệp, ta sẽ thấy sự chênh lệch rõ rệt, cho thấy Manchester United tạo ra nhiều cơ hội ngon ăn hơn trong hiệp 2 và cũng dễ bị thủng lưới hơn.

Mỗi khi nhắc tới một màn trình diễn tốt của đội, Solskjaer thường dùng các từ “thần kỳ”, “kỳ diệu” hay “Nhân tố X”. Ông chỉtiết lộ là mình muốn các học trò luân chuyển bóng nhanh hơn trong hiệp 2, kết hợp với những phương án thay người như Greenwood và Edinson Cavani để giúp đội bóng giành được điểm trên sân khách, nhờ vậy mà họ có được nhiều trận ngược dòng.
Nhưng dẫu có tất cả những điều đó thì Manchester United cũng chỉ là đội có thành tích sân khách tốt thứ 2 tại Premier League 2020/21, kém thành tích giành 45 điểm khi xa nhà của Manchester City vỏn vẹn 2 điểm. Dẫu cho chuỗi bất bại trên sân khách của Quỷ đỏ là một kỷ lục thì họ cũng không thể giành được chức vô địch Premier League.
Bởi vậy, điều quan trọng lúc này với Solskjaer là tìm ra phương án để cải thiện hơn nữa thành tích sân khách và hướng tới chức vinh quang. Nhưng câu hỏi cuối cùng mà ta cần đặt ra lúc này là liệu họ có thể kéo dài và tái lập kỷ lục này?
Để nói lên tầm vóc của kỷ lục bất bại mà Manchester United đang nắm giữ, ta không thể bỏ qua việc thành tích này bắt đầu từ nửa cuối mùa 2019/20, sau đó là cả mùa giải 2020/21 và đến nay là 3 trận mùa 2021/22. Trên chặng đường đó, họ đã chứng tỏ mình có đủ sự kiên nhẫn, kỹ năng và cả may mắn.
Có một vài trận đấu rất khó lý giải khi Manchester United không thể tận dụng cơ hội để giành chiến tahứng, nhưng họ lại chơi rất hay trong lần chạm mặt sau. Tháng 3/2020, Manchester United hòa Everton 1-1 khi David De Gea mắc lỗi, tạo điều kiện cho Dominic Calvert Lewin ghi bàn. Nhưng ở lần đối đầu tiếp theo tại Goodison Park, đội bóng của Solskjaer lại ngược dòng giành chiến thắng 3-1 – một trong những trận cầu đáng xem nhất của họ trong cả mùa giải 2020/21.
Ngoài ra, có rất nhiều trận đấu trong chuỗi bất bại này cho thấy họ không thua nhờ may mắn hơn ở cả tấn công lẫn phòng ngự. Trong chuỗi bất bại của Manchester United, họ 1 lần thắng và 1 lần hòa trước Chelsea của Frank Lampard, 1 thắng 1 hòa trước Spurs của Mourinho và trận hòa 0-0 trước một Liverpool bị bão chấn thưuong tàn phá. Ngoài ra họ cũng hiểu rằng mình cần phải thắng nhiều hơn khi đối đầu với các đội còn lại thuộc nhóm BigSix thay vì những trận hòa 0-0.
Dựa vào những yếu tố mà chúng ta vừa bóc tách, có thể khẳng định rằng lúc này không đội bóng nào dám tự tin rằng mình có thể đánh bại Manchester United ở thời điểm hiện tại bởi họ đơn giản là quá khó lường và có quá nhiều yếu tố bất ổn, thế nên thật khó để nói rằng liệu họ sẽ kéo dài kỷ lục bất bại này thêm ít lâu hay nó sẽ kết thúc ở ngay trận sân khách kế tiếp – trận đấu với West Ham trên SVĐ London.
Sự xuất hiện của Cristiano Ronaldo có thể giúp phong độ hàng tiền đạo của họ ổn định hơn, nhưng đồng thời hiệu ứng từ các khán đài khi các CĐV được phép tới sân cổ vũ cũng là yếu tố có thể khiến phong độ sân khách của họ không được giữ vững.