Khi nhắc tới derby Tottenham Hotspur – Chelsea, nhiều người mong rằng đây sẽ là màn đọ sức giữa các chân sút nhận được rất nhiều kỳ vọng là Harry Kane và Romelu Lukaku. Nhưng rốt cuộc kết quả của trận đấu này lại được định đoạt bởi một cái tên khác – đó là N’Golo Kante. Ngoài ra, ta còn thấy sự khác biệt đến từ băng ghế chỉ đạo khi mà Thomas Tuchel tỏ ra cao tay hơn Nuno Espirito Santo trong các quyết định thay đổi nhân sự lẫn chiến thuật.
Và trong video này, Góc khán đài sẽ nhìn lại những điểm nhấn của cuộc so tài giữa Tottenham Hotspur và Chelsea và làm rõ những yếu tố giúp The Blues có được chiến thắng ấn tượng 3-0 ngay trên sân của một đội bóng thuộc nhóm Big6 như Tottenham.
Đầu tiên ta sẽ nói về đội hình xuất phát.
Nhìn chung cả 2 đội đều có ít nhiều bất ngờ trong danh sách đăng ký thi đấu: Tottenham quyết định sử dụng sơ đồ 4-3-3 với cặp trung vệ Eric Dier và Cristian Romero, bộ 3 tiền vệ trung tâm Ndombele – Hojberg và Dele Alli, trên hàng tiền đạo là Giovani Lo Celso và đặc biệt là Son Heung Min đá chính ngay từ đầu – bên cạnh Harry Kane. Dù những thông tin trước trận không thực sự lạc quan với cầu thủ người Hàn Quốc, song anh vẫn đủ sức chơi trọn 90 phút – và đó là điều đáng mừng nhất của Tottenham trong trận đấu này dù anh chơi không tốt trong trận đấu vừa qua. Nhưng một phần nguyên nhân dẫn tới việc Son ra sân từ đầu cũng là bởi HLV Nuno Espirito Santo không còn nhiều lựa chọn trên hàng công khi cả Lucas Moura và Steven Bergwijn đều chấn thương, trong khi Bryan Gil và Dane Scarlett còn quá trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm thi đấu tại Premier League.
Trái ngược với Tottenham, HLV Thomas Tuchel dường như muốn đảm bảo an toàn cho N’Golo Kante nên quyết định sử dụng cặp tiền vệ trung tâm Mateo Kovacic và Jorginho từ đầu. Kepa Arrizabalaga được trở lại khung gỗ bởi Edouard Mendy dính chấn thương, trong khi Cesar Azpilicueta đảm nhiệm vị trí biên phải thay vì Reece James – người đã trở lại sau án treo giò nhưng phải ngồi dự bị ở trận đấu này, và Andreas Christensen là cái tên đảm nhận vị trí trung vệ lệch phải chứ không phải Trevor Chalobah. Ngoài ra tuyến trên của Chelsea không có gì bất ngờ khi Romelu Lukaku vẫn đá cao nhất, phía sau anh là Kai Havertz và Mason Mount – người có khả năng kiểm soát và chuyền bóng tốt hơn Hakim Ziyech.
Với tuyến tiền vệ 3 người tập trung ở tuyến giữa và thậm chí là cả Harry Kane cũng tích cực lùi sâu để hỗ trợ đồng đội, Tottenham là đội chơi tốt hơn trong hiệp 1 và có cơ hội ăn bàn trước. Ở tình huống này, Harry Kane đã lùi rất sâu để phối hợp với đồng đội, tranh chấp bóng với Jorginho và kéo tiền vệ người Ý lệch sang bên trái, sau đó tới lượt Romelu Lukaku tính nhầm khi chuẩn bị gây áp lực cho Hugo Lloris vì nghĩ rằng Hojberg sẽ chuyền về và vô tình để Eric Dier có không gian nhận bóng rất thoải mái.

Ngay lập tức, Tottenham triển khai bóng vào đúng vị trí mà Jorginho đã bỏ lại. Bóng được chuyển từ Eric Dier cho Dele Alli rồi Son Heung Min, sau đó tiền đạo người Hàn Quốc chuyền cho Sergio Reguilon đang băng lên trong tư thế trống trải. Đáng tiếc đường chuyền quyết định của hậu vệ người Tây Ban Nha cho Giovani Lo Celso lại không vượt qua được Antonio Rudiger.





Tới phút 32, Tottenham có tình huống ngon ăn nhất của họ trong trận đấu này. Một lần nữa lợi thế quân số ở trung tuyến đã giúp họ có cơ hội mở tỉ số, và nếu Son Heung Min xử lý tốt hơn thì có lẽ thế trận sẽ rất khác với Spurs. Tình huống này xuất phát từ một giây lơi lỏng của hàng thủ Chelsea, khi các hậu vệ của Chelsea đã lơi lỏng trong việc kèm Ndombele và để cho tiền vệ người Pháp có bóng khá thoải mái.


Ngay khi Ndombele có bóng, Son Heung Min, Harry Kane và Giovani Lo Celso lập tức di chuyển vào các khe của hàng thủ Chelsea. Lúc này tiền vệ người Pháp có 3 phương án chuyền bóng khả thi: 1 là đưa ra biên phải cho Emerson Royal đang băng lên, 2 là tung đường chọc khe mạo hiểm cho Son đang đà băng xuống và 3 – phương án đúng đắn nhất – là đưa bóng cho Lo Celso đang di chuyển vào giữa. Ndombele đã chọn đúng, và điều này mở ra thời cơ cho Spurs.


Một khi đã đưa bóng thành công cho Lo Celso thì hàng thủ Chelsea rơi vào thế bị động hoàn toàn. Thiago Silva biết rằng Son Heung Min đang di chuyển ở bên trái mình, song anh không thể bỏ vị trí để Lo Celso thoải mái đi bóng xuống. Tương tự Christensen cũng phải canh chừng Harry Kane đang băng xuống ở bên trái nên không thể ép vào trung lộ để truy cản Lo Celso. Đáng tiếc pha tiếp bóng của Son lại không tốt và để cơ hội trôi qua một cách đáng tiếc.


2 pha bóng đó là đủ để HLV Thomas Tuchel hiểu rằng ông phải gia cố trung tuyến nếu muốn thắng. N’Golo Kante được tung vào sân thay cho Mason Mount, nhưng tiền vệ người Pháp được phép tự do di chuyển và các đồng đội xung quanh sẽ tùy theo hướng chạy của Kante mà lựa chọn những vị trí thích hợp nhất để triển khai chiến thuật. Chỉ trong 3 phút đầu hiệp 2 – tính tới trước bàn mở tỉ số của Thiago Silva, Kante đã chạm bóng tới 6 lần và ở những vị trí rất khác nhau.










Dĩ nhiên khả năng di chuyển bền bỉ và luôn có mặt đúng lúc ở mọi điểm nóng của Kante là điều ai cũng biết, nhưng cản được anh lại là chuyện khác. Kể từ khi tiền vệ người Pháp có mặt trên sân, tuyến giữa của Spurs mất luôn sự chủ động. Một khi đã có con thoi Kante thì Jorginho có thể phát huy khả năng chuyền bóng và điều tiết trận đấu, Kovacic thường xuyên dạt sang cánh trái để hỗ trợ cho Kai Havertz đồng thời giúp Marcos Alonso thoải mái hơn trong việc dâng cao tấn công và thậm chí là đột nhập vào vòng cấm địa, Cesar Azpilicueta cũng ít phải chịu áp lực từ những pha leo biên của người đồng hương trẻ tuổi Sergio Reguilon bên phía Tottenham – bởi dù di chuyển rộng thì vị trí chủ đạo của Kante vẫn chủ yếu là lệch sang bên phải.
Một khi quân số giữa các tuyến tương đương nhau thì chất lượng nhân sự và các bài miếng phối hợp sẽ có tiếng nói quyết định, và xét về khoản này thì Chelsea tỏ ra vượt trội. Trong pha bóng suýt nữa dẫn tới bàn thắng ở phút 53 là một ví dụ nữa cho thấy Tottenham lép vế hoàn toàn trong hiệp 2. Ở tình huống này, Marcos Alonso di chuyển vào trung tuyến để phối hợp với Havertz, trong khi Kovacic ở phía sau sẵn sàng trám vào vị trí phòng ngự biên trái của Chelsea. Đây là lối di chuyển thường thấy của Alonso bởi anh có khả năng sút bóng rất tốt dù là một hậu vệ.


Sau khi nhận bóng, Kai Havertz chạy một mạch vào khu vực cấm địa của Tottenham và thực hiện cú tạt bóng. Ta không chắc đây là pha tạt bóng lỗi cho Lukaku hay tiền vệ người Đức chủ động đưa bóng sang bên cánh đối diện, nhưng điều quan trọng nhất là ở trung tuyến thì Hojberg vẫn đang theo sát Marcos Alonso, đồng thời Sergio Reguilon đã quan sát và biết rằng Cesar Azpilicueta đang băng lên ở cánh phải, chỉ có điều anh đã quay mặt đúng vào khoảnh khắc Havertz thực hiện đường chuyền nên hơi chậm nhịp và để bóng trôi qua.




Nhưng trong tình huống này, người mắc lỗi lớn nhất là Hojberg. Khi bóng trôi qua cánh phải, tiền vệ người Đan Mạch giảm tốc độ mà không chú ý tới việc Marcos Alonso có không gian rất thoải mái ở trong vòng cấm địa, trong khi 2 trung vệ đã bị hút theo Lukaku. May mắn cho Tottenham là cú sút của Alonso đã bị Eric Dier cản phá ngay trên vạch vôi.


Tuy nhiên ở tình huống dẫn tới bàn thắng thứ 2 thì Eric Dier không còn là người hùng nữa. Trong pha bóng này, người mắc sai lầm lớn nhất là Giovani Lo Celso khi để mất bóng ở vị trí rất nhạy cảm, trong khi Cristian Romero chưa kịp trở về vị trí sau khi chuyền bóng cho anh. Lúc này, Ndombele và Hojberg cũng lùi xuống rất sâu để hỗ trợ phòng ngự và chưa kịp dâng lên gây sức ép cho tuyến tiền vệ của Chelsea.



Nhận ra tình huống nguy hiểm, Eric Dier quyết định giữ vị trí dưới thấp và ra hiệu cho Hojberg dâng lên chắn đường sút xa của Kante. Lúc này Lukaku cũng đang ở vị trí thuận lợi và sẵn sàng băng xuống đón đường chuyền của đồng đội nên quyết định của trung vệ người Anh là hợp lý bởi anh sẽ có đủ thời gian truy cản tiền đạo người Bỉ nếu Kante quyết định chọc khe, nhưng xui cho Dier là cú sút của Kante lại đập chân anh rồi đổi hướng bay vào lưới trong sự bất lực của thủ môn Hugo Lloris. Bàn thắng này tuy mang tính may mắn, nhưng ta cũng phải nói rằng nó xứng đáng với thế tấn công dồn dập mà Chelsea tạo ra từ đầu hiệp 2.



Không có thế trận lại chẳng có may mắn, thật dễ hiểu khi tinh thần của Tottenham sa sút sau khi bị thủng lưới lần thứ 2, trong khi 2 sự thay đổi người sau đó của HLV Espirito Santo chỉ đơn giản là thay 2 cầu thủ chơi không hiệu quả là Ndombele và Lo Celso bằng 2 cầu thủ khác. Tottenham vẫn đá 4-3-3 và bế tắc trước hàng thủ chặt chẽ của Chelsea bởi khoảng cách giữa tuyến tiền vệ và tiền đạo của họ quá lớn, khiến các pha tấn công thường diễn ra rất đơn giản và dễ bị bẻ gãy. Cú sút trúng đích thứ 2 của đội chủ nhà cũng chỉ là một tình huống dứt điểm bên ngoài vòng cấm của Harry Kane và không gây ra nhiều khó khăn cho Kepa, và đó cũng là tình huống đáng chú ý cuối cùng mà hàng công của Tottenham làm được ở trận đấu này.
Trong khoảng 20 phút cuối, đơn giản là tuyến tiền vệ của Tottenham gồm Hojberg, Skipp và Alli lép vế hoàn toàn so với Kante, Kovacic và Jorginho. Chelsea thoải mái tấn công và nếu Timo Werner xử lý tốt hơn thì họ không phải đợi tới phút bù giờ mới có bàn thắng thứ 3. Điển hình của sự rời rạc cả về đội hình lẫn tinh thần của Tottenham được thể hiện trong tình huống này: Ta có thể thấy khoảng trống trước mặt Kante là cực kỳ lớn khi Oliver Skipp không hiểu vì lý do gì mà bỏ vị trí để chạy vào trong truy cản Werner trong khi đã có Romero.




Một lần nữa Eric Dier đáng thương rơi vào thế bị động hoàn toàn. Anh buộc phải giữ khoảng cách với Kante đề phòng tiền vệ người Pháp sút xa, vừa quan sát Werner băng xuống với hy vọng mong manh là Kante sẽ chuyền không đúng lực để mình có thể cản phá. Tuy nhiên điều này không xảy ra, may cho Tottenham và may cho Skipp là thủ môn Hugo Lloris đã xuất sắc cản phá 2 tình huống ăn bàn mười mươi của Chelsea.
Ta phải nhấn mạnh rằng lúc này Tottenham vẫn còn 1 quyền thay người nữa, và đó cũng là cơ hội cuối cùng để HLV Espirito Santo cải thiện tình hình. Có lẽ người hâm mộ Tottenham đã hy vọng rằng chiến lược gia người Bồ Đào Nha sẽ chơi tất tay, tung một tiền vệ hoặc một tiền đạo sẽ được tung vào sân để tìm bàn thắng, song rốt cuộc ông rút một trung vệ là Romero ra và thay vào là Davinson Sanchez – cũng là trung vệ. Rốt cuộc thì lối chơi của Tottenham chẳng có gì thay đổi và đương nhiên là họ không thể tiếp cận được khung thành của Kepa, và Sanchez thì suýt nữa khiến đội bóng bị thủng lưới khi để Kovacic dễ dàng lẻn ra sau lưng vì quá tập trung vào Lukaku.


Nhưng ở tình huống dẫn tới bàn thua thứ 3 thì chẳng có may mắn nào đứng về phía Tottenham nữa, và Lloris cũng đành bất lực trước cú sút của Antonio Rudiger. Bàn thắng hoàn toàn xứng đáng với những gì mà The Blues đã thể hiện trong 45 phút hiệp 2, và nhận định sai lầm thuộc về ai trong tình huống này cũng không còn cần thiết với Tottenham nữa bởi rõ ràng trừ Hugo Lloris ra thì 13 cầu thủ còn lại – bao gồm cả những người vào sân từ ghế dự bị của họ đều chơi tệ trong nửa sau của trận đấu này.
Một lần nữa ta phải khẳng định rằng Chelsea quá mạnh ở mùa giải năm nay, nhưng hiệp 1 ở trận đấu này cho thấy họ vẫn phải cải thiện hơn về chiến thuật, nhất là khi N’Golo Kante không có mặt trên sân. Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của tiền vệ người PHáp trong đội hình của Chelsea, và có lẽ cũng không ai phản đối rằng anh là cầu thủ “có một không hai” trên thế giới bóng đá hiện nay, nhưng Chelsea không thể cứ dựa vào Kante mới nắm được thế chủ động ở tuyến giữa, và giả sử tiền vệ người Pháp không thể thi đấu ở trận này thì ta cũng không chắc rằng họ sẽ thắng dễ đến vậy.
Trong khi đó Tottenham có quá nhiều vấn đề trong hiệp 2 của trận đấu này. Họ lúng túng trong phòng ngự, rời rạc trong tấn công và bị lép vế hoàn toàn ở tuyến giữa. Những sự thay đổi người của HLV Nuno Espirito Santo không đem lại chút hiệu quả nào, và ông cũng tỏ ra bị động trong việc thay đổi chiến thuật dù đội bóng đang bị dẫn bàn trên sân nhà. Người hâm mộ Spurs có thể viện lý do rằng có nhiều cầu thủ ở hàng tấn công đang hoặc vừa khỏi chấn thương, nhưng vấn đề là bản thân HLV Espirito Santo lại quá thận trọng trong việc sử dụng các cầu thủ trẻ. 2 trận thua liên tiếp với cùng tỉ số 0-3 tại Premier League không phải là điều mà CĐV của Spurs mong muốn, và nếu không nhanh chóng cải thiện phong độ thì e là Espirito Santo không thể trụ được tới năm 2022.