Nguồn: The Athletic
Đối với các HLV bóng đá, thành tích mà họ gây dựng được tại một đội bóng đôi lúc có thể đánh giá qua những gì xảy ra sau khi họ ra đi.
Nếu đội bóng tiếp tục chơi kém, liệu có thể đổ mọi trách nhiệm lên đầu vị HLV đã ra đi hay không? Nếu đội bóng cải thiện thành tích đáng kể, liệu đó có phải bằng chứng cho thấy vị HLV thực sự đã không thể giúp họ thăng hoa? Nếu đội bóng bất ngờ sụp đổ, không còn xứng đáng với đẳng cấp của họ nữa, liệu có thể nói di sản mà vị HLV để lại thực sự vững chắc hay không?
Với những cách phân tích như vậy, liệu khoảng thời gian của Jose Mourinho tại Tottenham cần được đánh giá như thế nào, ở thời điểm một năm sau khi ông bị sa thải? Liệu có phải Mourinho là nguồn cơn gây nên thành tích tệ hại của Spurs ở khoảng thời gian đó, hay đơn giản chỉ là hai bên không hợp nhau? Chương trình GÓC KHÁN ĐÀI hôm nay sẽ cùng các bạn tìm câu trả lời.
Spurs hiện đang có phong độ cao trong thời gian gần đây, dưới sự dẫn dắt của HLV Antonio Conte. Nhìn vào bề ngoài, có vẻ như ý kiến cho rằng Spurs đã vào tình trạng đình trệ, thậm chí tụt lùi, trong những ngày tháng cuối cùng của Mourinho trên cương vị HLV trưởng là hoàn toàn chính xác.
Nhưng đừng quên rằng chỉ một tháng trước, bản thân HLV Conte không giấu nổi thất vọng và giận dữ sau trận thua 0-1 trước Burnley, diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tottenham đánh bại Man City 3-2. Thời điểm đó, có vẻ như Conte gặp phải những vấn đề y hệt như Mourinho đã phàn nàn, rằng đội bóng không có tinh thần chiến đấu, có quá ít người mang tố chất lãnh đạo, các cầu thủ dường như cũng phàn nàn về các buổi tập.
Thực tế, Conte đã khắc phục được khó khăn và vực dậy tinh thần đội bóng đáng kể trong thời gian qua, đồng thời vô tình gây ra hiểu nhầm rằng người tiền nhiệm Jose Mourinho thực chất là nguyên nhân của vấn đề ở Tottenham, không phải là nạn nhân.
Vậy sự thật chính xác là như thế nào? Một năm sau khi Mourinho ra đi, chúng ta sẽ đánh giá về thời gian ông cầm quân ở Tottenham ra sao?
Trước hết, hãy đi vào phân tích dữ liệu. Trên thực tế, có thể nói rằng Tottenham không hoàn toàn khác với thời Mourinho, thay vào đó họ chỉ đơn giản là chơi thứ bóng đá đó một cách xuất sắc hơn. Cần phải nhớ điều này, bởi một trong những lý do mà Tottenham đưa ra để sa thải Mourinho chính là vì cái được coi là lối chơi tiêu cực của chiến lược gia Bồ Đào Nha.
Một tháng sau khi sa thải Mourinho, chủ tịch Daniel Levy của Tottenham nói rằng ông phải ra đi vì “đánh mất những giá trị quan trọng trong ADN của CLB”, đồng thời hứa hẹn với người hâm mộ sẽ tìm kiếm một HLV mới chú trọng lối chơi tấn công cống hiến đẹp mắt.
Thế nhưng để hiểu đúng về lý do Mourinho không thành công như mong đợi ở Tottenham, chúng ta cần hiểu rằng chiến thuật của ông không phải là “lỗi thời”, vấn đề là ở các khâu đảm bảo thể lực cho cầu thủ và đặc biệt là quản lý con người. Conte luôn đảm bảo các cầu thủ Tottenham có thể lực tốt, bên cạnh đó quản lý con người cũng có nhiều điểm tích cực hơn so với Mourinho, và đấy chính là lý do HLV Italy đang khá thành công ở đội bóng này.

Biểu đồ kể trên cho thấy sự chênh lệch giữa bàn thắng kỳ vọng và bàn thắng thực tế dưới thời các HLV gần đây của Tottenham. Có thể nói Tottenham đã chơi vượt kỳ vọng ở một số giai đoạn dưới thời Mourinho, nhưng nhìn chung không ổn định. Nuno Espirito Santo, cũng tương tự như vậy, khoảng thời gian Tottenham chơi tốt hơn kỳ vọng dưới thời ông này thậm chí còn ngắn hơn.

Nhưng từ khi Conte được bổ nhiệm, phải nói rằng Tottenham đã chơi tốt hơn kỳ vọng đáng kể, được thể hiện trên biểu đồ là khoảng màu xanh dương. Trong thời gian này, Tottenham tận dụng rất tốt các cơ hội, với số bàn thắng thực tế vượt trội so với bàn thắng kỳ vọng.
Một chi tiết đáng chú ý khác là dưới thời Mourinho, Tottenham đã để mất 27 điểm trong 58 trận ở Premier League sau khi họ dẫn trước. Dưới thời Nuno và Conte mùa này, con số này giảm xuống chỉ còn 5 điểm trong 32 trận. Tuy vậy, đánh giá một cách tương đối, thành tích 1,6 điểm mỗi trận của Tottenham dưới thời Mourinho là không tệ, thậm chí là ngang hàng với Chelsea và Leicester trong khoảng thời gian này. Thế nhưng Conte làm tốt hơn nhiều, với 1,9 điểm mỗi trận, đứng thứ ba ở Premier League từ khi ông được bổ nhiệm.
Tiếp tục, chúng ta sẽ xem xét liệu phong cách thi đấu của Tottenham có thực sự thay đổi lớn hay không.

Số đường chuyền trung bình trên mỗi động thái phòng ngự (PPDA) của Tottenham, một chỉ số vốn được dùng để đánh giá cường độ pressing, đã giảm dưới thời Conte. Tất nhiên điều này không có nghĩa là Tottenham ít chạy hơn, chỉ đơn giản là họ ít có động tác phòng ngự hơn mà thôi.

Sự khác biệt của Spurs dưới thời Mourinho và Spurs dưới thời Conte là cách họ lao lên triển khai tấn công. Số tình huống tấn công trực diện, nghĩa là các tình huống bóng chỉ mất 15 giây từ sân nhà tới sát khung thành đối phương, của Tottenham đã tăng mạnh sau khi Conte được bổ nhiệm, dù có giảm đôi chút trong thời gian gần đây. Có thể nói cả hai HLV đều chuộng lối đá phát động tấn công nhanh, nhưng lối chơi của Tottenham dưới thời Conte hiệu quả hơn.

Như biểu đồ trước mắt các bạn thể hiện, thực tế không có nhiều sự thay đổi giữa lối chơi của Tottenham dưới thời Mourinho và Conte. Hầu hết các chỉ số như thời lượng kiểm soát bóng, thời lượng thi đấu ở ⅓ phần sân đối phương, tỷ lệ bóng dài, tốc độ lên bóng trực tiếp tính bằng mét trên giây và PPDA đều không thay đổi đáng kể qua ba đời HLV của Spurs.

Hãy so sánh bản đồ phân loại các đường chuyền mà Tottenham sử dụng hiện nay và so sánh với thời Mourinho. Có thể thấy hiện nay Tottenham chuyền bóng khá nhiều ở khu vực half-space và cánh phải, và đó là điều làm nên điều khác biệt giữa họ và phần còn lại của Premier League. Trong khi đó, dưới thời Mourinho mùa giải 2020-21, các đường chuyền khác biệt của họ chủ yếu xảy ra trên sân nhà.
Đây có thể coi là điểm khác biệt rõ rệt nhất trong lối chơi của Mourinho và của Conte ở Tottenham.
Lối chơi và chiến thuật chỉ là một phần mà chương trình GÓC KHÁN ĐÀI hôm nay nhắc tới. Tiếp đến, chúng ta sẽ xem xét tinh thần nội bộ của Tottenham để xem đội bóng đã có những thay đổi như thế nào.
Về mặt này, có thể nói ngay rằng tinh thần của các cầu thủ Tottenham đã tích cực hơn so với thời Mourinho. Hồi tháng 04 năm ngoái, mối quan hệ giữa Mourinho và các học trò trở nên căng thẳng, điển hình là trường hợp của Matt Doherty.
Hậu vệ người Anh không được đăng ký trận đấu gặp Aston Villa, và do các quy định cách ly phòng dịch Covid-19, anh thậm chí phải ở lại trên xe bus của đội suốt thời gian trận đấu diễn ra, thay vì được vào phòng thay đồ. Tất nhiên, những câu chuyện như vậy không hoàn toàn là lỗi của Mourinho, nhưng chiến lược gia Bồ Đào Nha cũng có lần “đổ dầu vào lửa” khi nói rằng trên băng ghế dự bị của Tottenham “đều là những đứa trẻ”. Những phát ngôn như vậy rất dễ làm các cầu thủ tổn thương.
Một phần căng thẳng giữa Mourinho và các cầu thủ cũng bắt nguồn từ phương pháp luyện tập của ông thầy Bồ Đào Nha. Mourinho thường để lại ấn tượng về một vị HLV nghiêm khắc, nhưng thực tế trên sân tập ông lại thường thả lỏng với các cầu thủ.
Ông tin rằng các cầu thủ chuyên nghiệp biết cách tự luyện tập sao cho phù hợp với thể trạng của họ nhất, và họ cũng không cần HLV chỉ dẫn chi tiết, chẳng hạn như khi thi đấu gặp tình huống như thế này thì cần phải xử lý ra sao. Kết quả, điều này làm cho các cầu thủ lo ngại rằng họ không được luyện tập bài bản nhất để sẵn sàng thi đấu với các đối thủ, làm tăng thêm tâm lý thất vọng, chán chường với vị chiến lược gia Bồ Đào Nha.
Sau khi lên nắm quyền, HLV Conte đã khôi phục lại các bài tập cường độ cao cùng giáo án chiến thuật chi tiết để các cầu thủ nắm được họ cần phải làm gì trong những tình huống nhất định trên sân. Sự thay đổi này ngay lập tức phát huy tác dụng, không chỉ làm các cầu thủ hứng khởi hơn trong luyện tập và thi đấu mà thành tích thực tế của họ cũng được cải thiện.
Thất bại của Mourinho trong việc ổn định phòng thay đồ có thể xuất phát từ những trợ lý thân cận của ông. HLV thủ môn Nuno Santos và HLV thể lực Carlos Lalin không được Tottenham đánh giá cao, trong khi trợ lý HLV Joao Sacramento tuy giỏi chuyên môn nhưng lại không được lòng cầu thủ.
Sacramento còn khá trẻ, không lớn tuổi hơn các cầu thủ là bao, nhưng do vấn đề về tính cách, ông không xây dựng được mối quan hệ gần gũi với các học trò của Mourinho. Thay vào đó đôi lúc hành xử giống hệt ông thầy người Bồ Đào Nha, khiến các cầu thủ Tottenham rơi vào tình cảnh phải đối mặt với hai HLV khó tính cùng lúc. Giới chuyên môn cho rằng nếu Rui Faria, người từng là trợ lý của Mourinho trong 17 năm, vẫn cùng sát cánh với ông ở Tottenham, có thể mọi chuyện đã khác.
Thế nhưng dù sao đi nữa, Mourinho đã đúng khi đánh giá Tottenham là một tập thể thiếu nhân tố lãnh đạo và thiếu tinh thần khát khao chiến thắng. Tại một cuộc phỏng vấn trước đây, bản thân cầu thủ ngôi sao Harry Kane đã thừa nhận Mourinho không sai khi nhận xét như vậy, trong khi bản thân HLV Conte cũng đã có lần phải lên tiếng về thái độ thi đấu của các học trò.
Chưa dừng lại ở đó, Mourinho cũng có một số bất đồng với ban lãnh đạo Tottenham về chuyển nhượng. Về mặt này, có thể nói hầu hết các ý kiến mà ông đưa ra là đúng. Cụ thể, ông muốn loại bỏ Moussa Sissoko, Serge Aurier, Dele Alli và Tanguy Ndombele do không có tinh thần chiến đấu.
Ngoài ra, ông cũng không muốn trọng dụng Gareth Bale, cầu thủ ngôi sao một thời được BLĐ Tottenham mượn về từ Real Madrid. Những người kế nhiệm ông đều không trọng dụng các cầu thủ kể trên, trong khi HLV Carlo Ancelotti của Real Madrid cũng hầu như không dùng tới Bale.
Không chỉ có vậy, Mourinho còn có thể nói rằng ban BLĐ Tottenham đã không hoàn thành yêu cầu chiêu mộ thêm trung vệ của ông, dù sau đó họ vẫn đưa về Cristian Romero, người mà Mourinho từng rất thèm muốn.
Thực chất, Mourinho cũng đã trải qua những bất đồng tương tự với BLĐ Manchester United, cũng trong khoảng thời gian trước khi bị sa thải. Mourinho không được giới chủ Man United ủng hộ trên thị trường chuyển nhượng, buộc phải sử dụng các cầu thủ được coi là không có tinh thần chiến đấu. Những gì đã xảy ra giữa ông và Bale cũng có phần giống mối quan hệ trước đây của ông với Paul Pogba.
Những phân tích kể trên cho thấy cả Mourinho lẫn Tottenham đều có phần lỗi của mình trong khoảng thời gian trước khi chiến lược gia Bồ Đào Nha bị sa thải. Mourinho có những khiếm khuyết nhất định, nhưng bên cạnh đó Tottenham cũng là một tập thể chưa thật sự phù hợp để ông dẫn dắt tới vinh quang như những gì ban lãnh đạo đội bóng từng mong đợi.
Tất nhiên, để đánh giá được trọn vẹn di sản của Mourinho ở Tottenham, chúng ta vẫn phải chờ đợi xem Tottenham sẽ như thế nào trong giai đoạn hậu Mourinho, và Mourinho sẽ như thế nào, với AS Roma, sau khi đã rời khỏi đội bóng thành London.