Mùa hè này, người hâm mộ Manchester United vui mừng khi đón Cristiano Ronaldo trở lại. Với danh tiếng và bản lĩnh đã được khẳng định qua thời gian, người hâm mộ Quỷ đỏ chấp nhận mức lương 31 triệu Euro/mùa của CR7 và tin rằng anh sẽ tỏa sáng trong 2 năm tới.
Tuy nhiên mùa hè năm 2022 có một sự kiện rất đặc biệt – đó là khi hợp đồng giữa tiền đạo người Na Uy – Erling Haaland với Borussia Dortmund sẽ có mức phá vỡ hợp đồng 75 triệu Euro.
Con số này không ngoài tầm với của Quỷ đỏ trong trường hợp họ không chiêu mộ CR7, nhưng có lẽ người hâm mộ Manchester United sẽ phải chấp nhận rằng đội bóng của mình không có cơ hội chiêu mộ Haaland dù xét trên mọi khía cạnh thì tiền đạo người Na Uy này chính là lời giải cho mọi vấn đề trên hàng công của họ.
Vậy vì sao Erling Haaland lại là tiền đạo đáng mơ ước của Manchester United? Và vì sao đội bóng này không thể có được anh khi đã chiêu mộ Cristiano Ronaldo? Trong video này, Góc khán đài sẽ phân tích những điểm mạnh trong lối chơi của Haaland và những lợi thế của Manchester United trong việc thuyết phục cầu thủ người Na Uy, qua đó chúng ta sẽ thấy rõ hơn việc đội bóng này đã bỏ lỡ những gì khi quyết định chi 31 triệu Euro/mùa cho CR7 trong 2 năm tới.
Đầu tiên chúng ta sẽ phải bàn về tài năng của Erling Haaland. Tiền đạo người Na Uy cao 1m94, nặng 87kg – thể hình cực kỳ hoàn hảo để chơi bóng ở bất kỳ giải đấu nào. Mặc dù đá cao nhất trên hàng công và thường xuyên phải đối mặt với những trung vệ cao to không kém mình, nhưng mùa giải trước tỉ lệ thành công của Haaland là 50,7% – cao hơn nhiều so với Romelu Lukaku tại Inter là 42,9%.
Nhưng nếu nhìn vào vẻ ngoài mà cho rằng Haaland là một tiền đạo cao to nặng nề theo trường phái tạt cánh đánh đầu thì các hậu vệ đối mặt với sẽ phải ngạc nhiên ở khía cạnh tốc độ và kỹ thuật. Thậm chí tiền đạo này còn là một trong những cầu thủ chạy nhanh nhất Bundesliga với tốc độ tối đa có thể lên tới 36,04km/h – như anh đã đạt được trong chiến thắng 3-2 của Borussia Dortmund trước VfB Stuttgart mùa trước, con số này thậm chí còn cao hơn Jadon Sancho – người đã chuyển sang CLB Manchester United mùa hè này. Với tốc độ và thể hình như vậy, Haaland trở thành một viên đạn đại bác không thể ngăn cản mỗi khi anh tăng tốc, đủ sức đánh dạt mọi vật cản trên đường chạy.
Yếu tố thứ 2 khiến Erling Haaland là một tiền đạo đáng mơ ước của mọi ông lớn là sự hiệu quả trong các tình huống dứt điểm. 27 bàn thắng mà anh ghi được tại Bundesliga mùa trước đến từ 93 cú dứt điểm, trung bình 3,4 cú sút/bàn thắng. Xét về số bàn thắng thì Haaland chỉ đứng thứ 3 và kém Vua phá lưới Robert Lewandowski tới 14 bàn, nhưng tính về số cú sút trên mỗi bàn thắng thì anh không hề thua kém, bởi Lewandowski cần tới 137 cú sút để có được 41 bàn tại Bundesliga mùa vừa rồi.
Một trong những yếu tố giúp Haaland có khả năng chuyển hóa cơ hội thành bàn thắng ấn tượng đến vậy là nhờ khả năng di chuyển không bóng cực kỳ xuất sắc ở cả khu vực trong và ngoài vòng cấm địa của đối phương. Anh có cảm quan không gian cực tốt và chọn đúng thời điểm để đột nhập vào vòng cấm hoặc di chuyển tới các khe giữa 2 hậu vệ đối phương để lập công.
Kỹ năng dứt điểm đa dạng của Haaland cũng là điểm ta cần bàn tới, sở trường của tiền đạo người Na Uy là những cú sút sệt và căng, khiến cho các thủ môn rất khó chống đỡ, nhưng khi cần anh cũng đệm lòng nhẹ vào góc hoặc lốp bóng qua đầu thủ môn – điều đó cho thấy kỹ năng xử lý bóng hoàn hảo và sự bình tĩnh hiếm thấy ở một cầu thủ mới 21 tuổi.
Với một chân sút quá xuất sắc và còn ở độ tuổi rất trẻ, không ngạc nhiên khi các đội bóng lớn đang giành giật nhau để có được anh. Thực tế Haaland đã là cái tên cực kỳ hot trên thị trường chuyển nhượng từ 2 năm trước – khi anh còn đang khoác áo CLB RB Salzburg của Áo và làm đồng đội của những Takumi Minamino, Patson Daka và Dominik Szoboszlai, khi cả Real Madrid, Chelsea, Juventus và dĩ nhiên là cả Manchester United đều muốn có anh, thế nên việc tiền đạo này chọn đầu quân cho Borussia Dortmund vào tháng 1/2020 khiến không ít người ngạc nhiên, và cái giá mà đội bóng nước Đức bỏ ra cũng chỉ là 20 triệu Euro, quá rẻ cho một cỗ máy ghi bàn thực thụ.
Sức mạnh, sự tinh quái và hiệu quả trong dứt điểm – đó chính xác là những gì mà Manchester United đang thiếu trên hàng tiền đạo, bởi vậy chắc chắn Erling Haaland nằm ở đầu danh sách chuyển nhượng của đội bóng này, bất chấp việc họ mới chiêu mộ Cristiano Ronaldo. Siêu sao người Bồ Đào Nha cũng có đầy đủ những phẩm chất nói trên, song thực tế không thể chối cãi là anh đã 36 tuổi và không còn ở đỉnh cao phong độ, trong khi Haaland còn một tương lai cực kỳ dài ở phía trước. Nếu chiêu mộ được Haaland, hàng công của Quỷ đỏ sẽ không phải lo lắng trong ít nhất là 3-4 năm, đấy là trong trường hợp tiền đạo này muốn đi theo chính con đường của CR7 và gia nhập Real Madrid.
Với hình thể lý tưởng và tư duy chơi bóng xuất sắc, khả năng Erling Haaland nhanh chóng thích nghi và tỏa sáng tại Premier League là rất cao, đặc biệt nếu anh chơi tại Manchester United – nơi đồng đội cũ của anh là Jadon Sancho đang thi đấu. Mùa giải năm ngoái, Sancho đã có tới 6 pha kiến tạo cho Haaland ghi bàn, thế nên 2 cầu thủ này hiểu rất rõ phong cách cũng như sở trường và sở đoản của nhau. Không ít lần ở mùa giải trước, Sancho và Haaland đã phối hợp với nhau để xé toang hàng thủ đối phương, trong đó tình huống chân sút người Na Uy lập công vào lưới Schalke 04 là một ví dụ.


Ban đầu, Haaland định di chuyển vào phía cột gần theo hướng di chuyển của Sancho để dứt điểm cắt mặt, nhưng cầu thủ người Na Uy nhận ra các hậu vệ đối phương đã sẵn sàng cho tình huống đó và chắc chắn anh sẽ phải rất vất vả để chạm được vào bóng, thế nên anh quyết định lùi về phía cột xa để kéo giãn khoảng cách giữa các hậu vệ của Schalke 04. Ngay khi Julian Brandt chạy cắt vào trong, Haaland đã tạo được khoảng cách an toàn với đối phương và giơ tay xin bóng, Sancho lập tức hiểu ý và tung đường chuyền vừa tầm đầu cho Haaland nhưng rốt cuộc tiền đạo người NA Uy đã làm tốt hơn mức tưởng tượng với cú volley tuyệt đẹp.
Không chỉ có Jadon Sancho, một nhân tố khác chắc chắn sẽ góp phần quan trọng nếu Manchester United quyết định đầu tư và Erling Haaland là HLV Ole Gunnar Solskjaer. Tại quê nhà Na Uy, ông là một tượng đài, đồng thời cũng là hình mẫu cho các chân sút sau này học hỏi, trong đó có Haaland. Bên cạnh đó, bản thân Solskjaer và Haaland cũng không lạ lẫm gì nhau bởi cả 2 từng làm việc cùng nhau trong 2 năm tại CLB Molde. Năm 2017, chính Solskjaer đã quyết định đôn Haaland lên đội Một của Molde khi mới 16 tuổi và so sánh tài năng của anh với Romelu Lukaku. Trong mùa giải cuối cùng của Solskjaer tại Molde trước khi trở về Old Trafford, Haaland chính là chân sút số 1 của đội bóng với 16 bàn thắng sau 30 trận trên mọi đấu trường, thế nên ông cũng hiểu rõ Haaland có thể mang tới những gì cho đội bóng hiện tại của mình.
Một hàng tấn công với Haaland chơi cao nhất, phía dưới là Sancho, Greenwood và Bruno Fernandes – đó chắc chắn là viễn cảnh mà rất nhiều CĐV Manchester United mơ đến trong 2 năm nữa. Trái lại không chiêu mộ Haaland đồng nghĩa với việc họ để cho các đối thủ cạnh tranh cơ hội sở hữu chân sút đáng sợ này. Chelsea có thể không cần Haaland bởi họ đã có Lukaku, ngoài ra bản thân chân sút người Na Uy từng thẳng thừng nói rằng The Blues không phải ưu tiên của mình trước khi chuyển sang khoác áo Borussia Dortmund, song Liverpool và Manchester city thì có cơ hội rất lớn. Một cầu thủ hoàn hảo, xuất sắc trong cả khâu không chiến, di chuyển, dứt điểm và hỗ trợ tốt cho đồng đội chính là những gì mà Jurgen Klopp và Pep Guardiola mong chờ. Với Liverpool, họ cần một cầu thủ đảm đương vị trí của Roberto Firmino – người đã xuống phong độ từ mùa giải trước, còn Man City thì thất bại trong việc tìm một chân sút đủ khả năng thay thế Sergio Aguero mùa hè vừa qua.
Với Liverpool, chính Jurgen Klopp sẽ là sợi dây nối Liverpool với Haaland. Chiến lược gia 54 tuổi này vẫn giữ mối quan hệ tốt với Ban lãnh đạo Dortmund, và bản thân ông cũng khẳng định rằng giữa mình và đội bóng cũ không có thỏa thuận cấm mua người nào, thế nên Liverpool hoàn toàn có thể đàm phán với Dortmund nếu bản thân Klopp cho rằng ông cần phải có một cầu thủ nào đó. Dẫu vậy, đây đã là mùa giải thứ 6 Klopp nắm quyền tại Liverpool nhưng ông vẫn chưa mua một ai từ Dortmund, đồng thời cũng chưa bán ai cho đội bóng nước Đức. Nhưng dĩ nhiên đây không phải là dấu hiệu của việc mối quan hệ giữa Klopp và Dortmund tốt hay xấu, bởi thực tế là từ năm 1996 tới nay Liverpool mới chỉ mua 3 cầu thủ từ Dortmund là Patrik Berger, Karl-Heinz Riedle và người gần nhất là hậu vệ Philipp Degen cập bến Anfield vào năm 2008. Ngoài ra ta có thể kể thêm trường hợp của Nuri Sahin – một người thành danh tại Dortmund, chuyển tới Real Madrid rồi chơi cho Liverpool trong nửa mùa giải. Trong số 4 cái tên này, chỉ có Berger là đạt được thành công cùng Liverpool, điều đó cho thấy dường như Anfield không phải là mảnh đất lành với các cầu thủ Dortmund, nhưng điều đó rất có thể sẽ thay đổi nếu người tiếp theo chuyển từ Signal Iduna Park tới Liverpool là Erling Haaland.
Trong khi đó mối liên hệ giữa Haaland và Manchester City đến từ cha của anh – ông Alf-Inge Haaland.Khi còn chơi bóng, ông Haaland từng thi đấu cho nửa xanh thành Manchester trong 3 mùa giải, và đây cũng là quãng thời gian ông phải nhận cú tắc bóng ác nghiệt của đội trưởng Manchester United khi đó là Roy Keane. Dĩ nhiên nếu Man City vẫn chỉ là một đội bóng trung bình giống như trước thì họ không có cơ hội chiêu mộ Erling Haaland, nhưng giờ họ đã là một thế lực của bóng đá châu Âu với tiền bạc dư dả cùng một chiến lược gia hàng đầu thế giới.
Bên cạnh việc phải cạnh tranh với những đối thủ nặng ký, chuyện tiền bạc cũng là trở ngại lớn với Manchester United nếu họ muốn chiêu mộ Erling Haaland. Nếu đợi tới tháng 6/2022, Manchester United có thể chiêu mộ tiền đạo người Na Uy với mức giá phá vỡ hợp đồng là 75 triệu Euro, nhưng dĩ nhiên các đội bóng khác cũng sẵn sàng bỏ tiền để đưa anh về. Nếu không muốn mạo hiểm cạnh tranh thì Manchester United buộc phải đàm phán sớm hơn, và mức giá mà Dortmund đặt ra vào mùa hè vừa qua là 200 triệu Euro. Thậm chí nếu đàm phán ngay lúc này thì Manchester United vẫn có nguy cơ phải cạnh tranh với Real Madrid – đội bóng đã đặt lên bàn đàm phán tới 220 triệu Euro nhằm chiêu mộ Kylian Mbappe trong ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng. Giờ đây Mbappe chắc chắn chỉ ra đi khi mãn hạn hợp đồng vào mùa hè năm sau, số tiền này rất có thể sẽ được Real Madrid dồn sang thương vụ Erling Haaland.
Khác với Barcelona mùa hè này, Real Madrid không phải lo lắng nhiều về vấn đề trần quỹ lương dù họ chiêu mộ cả Mbappe và Haaland cùng lúc đi chăng nữa, bởi tới tháng 6/2022 thì họ sẽ mãn hạn hợp đồng với Gareth Bale, Isco, Luka Modric và Marcelo. Trong 4 cái tên này thì chỉ có Modric là có khả năng ở lại Real Madrid, song nếu có tiếp tục gia hạn thì tiền vệ kỳ cựu này cũng chấp nhận giảm lương bởi tuổi tác của anh đã cao.
Không chỉ có tiền chuyển nhượng, mức lương mà Erling Haaland đòi hỏi chắc chắn cũng là trở ngại rất lớn với Manchester United. Bắt đầu từ tháng 6/2022, bên cạnh việc điều khoản phá vỡ hợp đồng trị giá 75 triệu Euro có hiệu lực thì mức lương mà Haaland nhận được tại Borussia dortmund cũng được nâng lên 8 triệu Euro/năm, đó là cơ sở để người đại diện trứ danh của anh – Mino Raiola tuyên bố đội bóng nào muốn mua anh sẽ phải chấp nhận mức lương lên tới 35 triệu Euro/mùa. Con số này thậm chí còn cao hơn mức mà Manchester United đang trả cho Cristiano Ronaldo, thế nên việc cắn răng bỏ tiền để chiêu mộ Haaland có thể khiến quỹ lương của Quỷ đỏ rơi vào tình trạng nguy hiểm, ít nhất là trong mùa giải 2022/23 – tức năm cuối cùng trong hợp đồng hiện tại của CR7.
Thời gian không chờ đợi ai. Với những gì đã thể hiện trong màu áo Borussia Dortmund, Erling Haaland xứng đáng là bản hợp đồng đáng mơ ước của bất kỳ đội bóng nào, và dĩ nhiên lúc này thì ai cũng muốn đợi tới tháng 6/2022 để đặt 75 triệu Euro lên bàn đàm phán với đội bóng nước Đức – trừ Manchester United. Dù có không ít lợi thế về các mối quan hệ song vấn đề Quỷ đỏ phải đối mặt trong việc chiêu mộ Haaland chính là tài chính. Nếu không chiêu mộ Cristiano Ronaldo thì việc đáp ứng mức lương 35 triệu Euro/mùa mà “gã béo” Raiola đặt ra cho Erling Haaland là khả thi với Manchester United, nhưng lúc này họ đã tiêu tốn tới 31 triệu Bảng/mùa cho CR7 rồi nên khả năng chiêu mộ tiền đạo người Na Uy đã giảm đi đáng kể.
Bởi vậy sẽ chẳng ngạc nhiên nếu Manchester United sẽ không tham gia vào màn giành giật chữ ký của Haaland vào mùa hè năm sau, hoặc chỉ xuất hiện trên các mặt báo như thường lệ. Cũng có thể Ban lãnh đạo của Manchester United xác định không thể cạnh tranh với những đối thủ khác nên mới đầu tư vào Cristiano Ronaldo, nhưng việc sớm buông tay cũng là điều đáng tiếc bởi họ nắm trong tay không ít lợi thế chuyển nhượng, cùng với đó là mối quan hệ làm ăn với Mino Raiola khá tốt đẹp sau những thương vụ Paul Pogba hay Zlatan Ibrahimovic trước đây. Liệu các fan Quỷ đỏ đang theo dõi Góc khán đài có hối tiếc nếu quyết định này của họ dẫn tới việc Erling Haaland gia nhập Manchester City hoặc Liverpool ở mùa giải tới và tiếp tục tỏa sáng và khiến 2 đội bóng này tiếp tục thống trị Premier League?